Chị là dân miền Trung vào Sài Gòn lập nghiệp với hai bàn tay trắng. “Tài sản” duy nhất của chị là đứa con gái nhỏ đang học mẫu giáo. Sau khi ly hôn với người chồng vô trách nhiệm, chị cũng mệt mỏi với dư luận xóm làng nên mang con vào Nam với hy vọng làm lại cuộc đời. Chị làm công nhân ở xưởng may, lương không cao nhưng cũng đủ tạm sống qua ngày. Ngoài giờ làm ở xưởng, chị còn buôn bán mỹ phẩm. Khách hàng của chị thường là mấy chị em công nhân. Thực ra, họ có thể mua mỹ phẩm ở bất kỳ đâu nhưng vẫn muốn mua hàng của chị để giúp người mẹ đơn thân có thêm tiền nuôi con. Chị hiểu tình cảm của họ dành cho mình nên chị phục vụ họ tận tình, sẵn sàng giao hàng tận nhà.
Sáng nay, chủ nhật, chị không phải đi làm nhưng vẫn dậy sớm để chuẩn bị đi giao hàng. Mới 5 giờ, vẫn còn sớm lắm. Chị mở tivi ra xem các phim ảnh trên youtube. Trong bộ phim tư liệu về động vật hoang dã châu Phi, có cảnh một con chó rừng đi tìm thức ăn để có sữa nuôi con. Nó đã lang thang tìm thức ăn suốt mấy ngày mà không có miếng nào vào bụng. Khi nó trở về tổ, đàn chó con vui mừng chạy tới bú vú mẹ nhưng thất vọng vì không có giọt sữa nào. Một chó con đói lả nằm lim dim sắp chết. Chó mẹ lại ra đi. Nó đi mãi, đi mãi trong rừng hoang. Cuối cùng, gặp một bầy sư tử đang ăn thịt con nai. Vì quá đói, nó quên hết nỗi sợ hãi và nhảy vào cùng ăn. Nó bị sư tử xua đuổi và cắn cho mấy nhát đau điếng. Chó mẹ lùi ra xa chờ đợi. Nhưng không đủ kiên nhẫn, nó lại mon men tiến tới ăn mấy miếng thịt rơi vãi bên ngoài. Một con sư tử cái đã ăn no và kiếm trò giải trí. Nó xông tới ngoạm cổ con chó mẹ. Con sói giãy giụa nhưng không thể thoát khỏi hàm răng sắc nhọn của sư tử. Chờ cho sói mẹ tắt thở, sư tử mới nhả cái xác rơi bịch xuống bãi cỏ. Sư tử không ăn thịt chó sói mà chỉ giết chó sói để tiêu khiển. Bộ phim kết thúc ở chi tiết cái xác của chó mẹ rơi bịch xuống bãi cỏ. Người ta không chiếu cảnh đàn chó con sẽ sống như thế nào khi mẹ nó không về nữa. Một cái kết gợi dư âm ngậm ngùi.
Đã đến giờ đi giao hàng nhưng con chị vẫn còn ngủ. Hôm nay, bé không phải đi đến trường. Nhìn đứa con đang ngủ say sưa, chị thương nó quá. Chị vuốt ve con và rơm rớm nước mắt. Đáng ra, con phải sống trong cảnh gia đình đầm ấm, có ông bà cha mẹ, có vật chất đầy đủ. Nhưng chị không biết đến bao giờ mới có cuộc sống hạnh phúc như vậy. Chị đang ở nhà trọ, một mình nuôi con, không có ai giúp đỡ, chưa dành dụm được đồng nào. Tương lai của mẹ con chị vẫn còn mù mịt lắm. Sáng nay, chị dự định sau khi khi giao hàng xong, sẽ mua thức ăn sáng về nhà để hai mẹ con ăn chung. Chị nhè nhẹ dắt xe máy ra ngoài, tránh không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của con. Đến khi đóng cửa lại, chị ngần ngừ, rồi lại mở cửa ra. Chị vào nhà kiểm tra lại những thứ có khả năng gây cháy. Bếp ga đã tắt, dây điện đã rút khỏi nguồn. Chị không lo nhà mình cháy mà chỉ sợ nhà hàng xóm cháy lan sang nhà mình. Ở khu nhà trọ này, có rất nhiều người cẩu thả. Họ để dây điện hở vỏ chạy luồn dưới mùng mền chăn gối, sách vở. Có người đóng cửa ra ngoài không tắt bếp ga. Họ dự định sẽ chạy đi mua thức ăn một chút rồi về. Nhưng ra đường gặp bạn bè “tám” quá lâu. Nồi kho cháy khét bốc khói mù mịt. Hàng xóm chạy đến nhưng không thể phá khóa để vào, báo hại những gia đình lân cận phải di tản. Chị lo sợ nếu có hỏa hoạn, con mình sẽ không chạy ra ngoài được. Nhưng không biết trao chìa khóa cho ai vì không thể tin ai. Ở khu nhà trọ này, toàn là người lạ, khác nhau về quê quán, nghề nghiệp, không ai quan tâm tới ai. Nhiều người vẫn có bạn bè và họ hàng ở Sài Gòn, thỉnh thoảng nhờ vả được. Còn chị chẳng biết nhờ ai. Nhưng chị nghĩ khó có khả năng xảy ra hỏa hoạn. Tạm thời tin tưởng như vậy, chị khóa cửa lại, để con nằm ngủ trong nhà, rồi cưỡi xe máy đi giao hàng.
Nhà của khách hàng ở cách đó khoảng 5 km. Họ chỉ mua một lọ nước hoa. Tiền lời chỉ có vài ngàn đồng, chưa đủ để đổ xăng xe. Nhưng chị tự an ủi: cứ chịu khó lấy lòng họ, rồi họ sẽ mua nhiều hơn, khách hàng sẽ đông hơn, mình sẽ tích lũy được nhiều tiền hơn. Trên đường về, chị ghé một cửa hàng bán cháo dinh dưỡng. Trong khi chờ đợi nhận thức ăn, chị nhìn đồng hồ: đã 7 giờ 30, cũng hơi muộn để ăn sáng. Có lẽ con chị đã thức dậy, không thấy chị ở nhà, nó sẽ khóc. Lòng chị nóng như lửa đốt. Vừa trả tiền xong, chị vội vã cưỡi xe về, đi sát lề đường. Con đường khá hẹp, phía trước chị là một chiếc xe tải đi ngược chiều. Phía sau chị là một chiếc xe hơi bốn chỗ ngồi lao tới với tốc độ nhanh. Vì né tránh chiếc xe tải, nó đã đâm vào đuôi chiếc xe máy của chị, hất chị văng lên vỉa hè. Đầu chị bị đập vào cột trụ điện, máu chảy lênh láng. Chiếc xe hơi bốn chỗ chạy mất. Chiếc xe tải vẫn thản nhiên chạy đi, xem như không có chuyện gì xảy ra.
Nghe tiếng va đập mạnh và tiếng rên la đau đớn, mọi người xung quanh chạy tới. Một chị bán vé số kêu lên: “Trời ơi, tung chết người ta rồi”. Một bác xe ôm phẫn nộ nói: “Đ. mẹ, tung chết người rồi bỏ chạy. Để tui rượt bắt nó”. Một thanh niên dừng xe máy, rút điện thoại nói: “Để tui gọi cảnh sát cho”. Mọi người hướng mắt về phía anh ta chờ đợi. Nhưng anh gọi mãi không được và quay sang hỏi mọi người: “Trước số 113 có thêm mã số Sài Gòn không nhỉ”. Một bà nói: “Hình như có thêm số 08”. Bà khác cãi lại: “Mã số Sài Gòn thay đổi rồi bà ơi, nay là 028”. Một chiếc xe hơi chạy đến. Người dân gõ cửa kính nhờ chở dùm người đi cấp cứu. Người đàn ông sang trọng có vẻ lúng túng, lách xe khỏi đám đông rồi chạy tiếp. Có ai đó la: “Gọi xe cấp cứu đi !”. Người ta tìm anh thanh niên lúc nãy nhưng không thấy đâu. Một anh dân phòng chạy tới, mọi người xem anh ta như là người đại diện cho pháp luật. Anh rút ví của nạn nhân xem chứng minh thư rồi nói: “Người gốc miền ngoài”. Người khác hỏi: “Nhưng hiện tại đang sống ở đâu ?”. Anh ta trả lời hơi gắt: “Không biết !”. Bà bán cháo dinh dưỡng cũng vừa chạy tới nơi, thở hổn hển nói: “Nó vừa mua cháo của tui. Chắc là nhà có con nhỏ”. Một người sờ mũi, sờ tim nạn nhân rồi nói: “Hình như tắt thở rồi. Cố gắng sống để nuôi con chị ơi ! Kêu xe nhanh lên mọi người !”
Phạm Ngọc Hiền