Truyện ngắn Con gà trống được Nguyễn Quang Sáng sáng tác năm 1970, tức là ra đời trong bối cảnh chiến tranh. Tuy nhiên, khác với nhiều truyện ngắn cách mạng cùng thời, tác phẩm không đề cập đến những vấn đề thời sự xã hội mang tầm vóc sử thi. Nhân vật chính của truyện cũng không phải là người chiến sĩ mà là con gà trống. Mặc dù miêu tả về thân phận con gà nhưng tác phẩm gợi nhiều liên tưởng thú vị về cuộc sống con người.
Tác phẩm kể về chuyện nuôi gà ở một chiến khu miền Nam thời chiến tranh. Con gà mái đầu tiên của cơ quan phải sống cảnh cô đơn: “cái cảnh cô đơn của nó trông đến tội nghiệp. Nó khát khao được làm mẹ đến mức khiến cho anh em chúng tôi không thể làm ngơ. Nó đang đi, cái đít sà xuống, đang ăn hay đang đứng, khi có tiếng động của ai đó đi qua là hai cái chân nó quỵ xuống, lườn áp xuống đất, đuôi vểnh lên, sẵn sàng với tư thế đón đợi một anh gà gáy”. Các chiến sĩ cũng đang sống cô đơn nên hiểu được sự cô đơn của con gà. Họ tạo điều kiện cho mái vàng được làm mẹ bằng cách gửi nó đi nơi khác phối giống. Thế là một đàn gà ra đời, cuộc sống trong chiến khu vui vẻ, đầm ấm hơn nhiều. Nhìn cảnh một chú gà trống quanh quẩn bên đàn mái đẻ, nhiều chàng trai xa quê không khỏi nhớ đến mái ấm gia đình.
Con vật không chỉ có nhu cầu được ăn uống, giao phối mà còn có nhu cầu được khẳng định mình. Một trong những cái thú của chú gà trống là được cất tiếng gáy thật to để thiên hạ chú ý đến mình. Nhưng tiếng gáy có thể làm lộ vị trí bí mật của cơ quan nên cấp trên ra chỉ thị giết gà. Một cuộc tranh cãi diễn ra để bàn về số phận của con gà trống. Chú bé Nam phải lấy kim chỉ may cổ con gà và nhốt dưới hầm để địch khỏi phát hiện. Cũng như mọi người, chú gà phải chịu nhiều thiệt thòi: “cái cổ của nó như bị đùm da nhíu kéo cong xuống như thể nó đang bị mắc xương, tiếng gáy của nó cũng bị kéo trì xuống như tiếng ho của một lão già “kho…khoọt” nghe thật khổ sở”. Mặc dù bị buộc cổ nhưng nhu cầu gáy vẫn luôn sôi sục trong huyết quản của nó: “Nó rướn mãi, rướn mãi, chỉ không đứt mà đứt cả da cổ. Nó cất tiếng gáy mà máu chảy ròng ròng!”. Trong hoàn cảnh khó khăn, để cất được một tiếng gáy, con gà phải trả giá bằng máu của mình.
Nhân vật xưng “tôi” rất yêu quý con gà trống và thấu hiểu cảnh ngộ của nó. “Tôi” cho rằng, nếu con người muốn có quyền nói thì con gà cũng muốn có quyền gáy: “Ta cũng có thể cấm một người nào đó không được quyền nói. Và có người vì cảnh đời thế nào đó mà có lúc giả câm, không thèm nói với ai một lời nào. Còn gà thì tôi chưa thấy con gà trống nào bị câm bao giờ. Gà trống bị mất tiếng là gà bị thiến (…) Không thể cấm nó không được gáy. Không được gáy nó sanh ra làm thân con gà trống để làm gì!”. Tiếng gáy của con gà trống như một tín hiệu thông báo với mọi người rằng: ta là một con đực đẹp đẽ, khỏe mạnh. Vậy thì ta cũng có những nhu cầu thiết thực như tất cả các sinh vật khác. Ta có quyền được gáy, được đạp mái, ăn uống, ngủ nghỉ… Đó là lẽ thường tình của tạo hóa, không nên xem là việc tầm thường, xấu xa.
Tình hình chiến sự căng thẳng khiến cho cơ quan phải tạm dời đi nơi khác. Người ta để lại chú gà trống với lời dặn dò: “Nếu cơ quan không về thì con sống với gà rừng. Con phải tập bay, con sẽ làm chúa cái rừng này, nếu cơ quan trở về, thì cơ quan mang cả bầy vợ con về cho con, nghe không!”, Ðến tối, tôi không nhìn thấy rõ nó, chỉ thấy hai con mắt nó nhỏ như hai hạt đậu, mở tròn và sáng rực”. Con gà trống được trở về với tự nhiên và vẫn tồn tại trong bom đạn khốc liệt. Khi trở lại, đơn vị không tìm được đường mòn quen thuộc đã bị bom phá nát. May nhờ có chú gà trống cất tiếng gáy, họ mới tìm ra vị trí cơ quan cũ. Như vậy, việc không giết gà là có lợi. Và những người đòi “hấp rượu” chú gà chắc phải suy nghĩ lại chủ trương của mình.
Tác phẩm kết thúc trong tiếng gáy tưng bừng của chú gà trống đón chào sự trở về của những con người thân quen và đàn gà mái, gà con thân yêu của nó. Trong không khí vui vẻ đó, nhân vật “tôi” bỗng trầm ngâm: “nghe nôn nao như đang trở về với tiếng gà gáy của làng xóm quê hương vậy”. Câu chuyện đâu chỉ nói về đàn gà mà còn nói về khát vọng hòa bình, hạnh phúc của mỗi người lính. Truyện “Con gà trống” của Nguyễn Quang Sáng có chiều sâu triết lý, tạo được nhiều dư âm…
Phạm Ngọc Hiền
Không ngờ nhà văn Nguyễn Quang Sáng có truyện này. Rất ý nghĩa