“Sáng tác thơ và bình thơ” là thú chơi tao nhã của người yêu thích thơ ca; thú chơi ít tốn tiền mực giấy và không mất tiền mua các ý tưởng độc đáo”.
1.
Trên các trang thi đàn, người làm thơ nhiều mà người bình thơ thì ít. Thông thường người làm thơ viết ra bài thơ không khó. Và một ngày có thể làm nhiều bài, trái với người bình thơ, là không thể viết nhanh và nhiều bài trong một ngày. Để có bài thơ tâm đắc, người bình tìm kiếm rất nhiều bài thơ, có nội dung phù hợp với tâm tư tình cảm. Đọc tới lui bài thơ làm nhiều lần, xếp bỏ đó rồi đọc tiếp, đọc đến thấu hiểu nội tình bài thơ và ý tác gỉa, mà vẫn chưa thôi, còn phân tích các phép tu từ, câu cú, hoàn cảnh ra đời bài thơ. v.v… Mong tìm ra cái đặc sắc, cái độc đáo nhất của bài thơ. Bài bình luôn viết trong suy tư trăn trở, không chỉ viết một lần, cần đọc đi đọc lại và chỉnh sửa rất công phu.
2.
Bình thơ theo phong cách cổ điển: cách này nghiêng về lý trí, nghiêng về chủ thuyết các trào lưu văn học, thường dựa vào các quy tắc định sẵn, đòi hỏi người bình cần có kiến thức về văn học cổ-kim.vv… Bình theo phong cách tân thời: công việc phân tích không khác cổ điển, nhưng không đi vào trào lưu tư tưởng, học thuật cao siêu. Điều cần “bình/bình luận” – đó là nỗi niềm cùng những suy tư trăn trở của tác giả thơ, đã đem đến cho người đọc là như thế nào. Ở đó người bình tìm thấy sự đồng cảm, đồng điệu…Rồi nhân đó bày tỏ tình cảm cùng những suy nghĩ của mình qua bài bình. Người bình xem tác giả thơ như người bạn thơ tri âm tri kỷ. Ngoài tìm kiếm cái tôi trữ tình của tác giả, người bình còn tìm kiếm các giá trị thẩm mỹ qua nội dung hình thức thơ, giúp người đọc dễ dàng nhận diện các giá trị nghệ thuật trong đời sống tinh thần.
Người bình cần có ba đức tính: đạo đức, trí tuệ và nhân cách. Nó giúp người bình sáng suốt trong cách nghĩ đúng viết đúng, tính trung thực và lòng nhân ái khi bình một bài thơ. Một bài bình buộc phải chê/khen nên khéo léo, giúp tác giả hiểu mà không gây ác cảm.
3.
Các thầy ngày xưa hay bảo học sinh của mình: các trò hãy bình giảng bài thơ, đoạn văn (…). Bài thơ đoạn văn được khảo cứu kĩ càng, trước khi đưa vào sách giáo khoa, thì không có chỗ để chê, toàn là chỗ để khen; tương tự, để có bài bình khen nhiều mà hiếm có chê, nên chọn bài thơ mà mình cho là hoàn hảo nhất, dù bài thơ có đa nghĩa nhưng phải dễ hiêủ, phù hợp với tâm tư tình cảm, sở thích và năng lực.
Viết lời bình: ngoài lời lẽ trau chuốt, nhã nhặn và thân thiện, bài bình còn có tính thơ, tính nhạc và các khoảng lặng…Nó giúp khơi gợi xúc cảm và trí tưởng tượng của người đọc. Một tình cảm yêu mến bài thơ và tác giả sẽ không có lời sáo ngữ. Một lời khen/chê kín đáo, thấu tình đạt lý sẽ giúp tác giả có thêm kinh nghiệm. Và giúp độc giả hiểu hơn về bài thơ và yêu mến tác giả.
Nhập đề đã khó, kết đề còn khó hơn: khó là viết như thế nào để dẫn dắt người đọc, đi từ đầu đến cuối bài mà không chán. Cái khó sau cùng là viết thế nào, để khi người đọc đã xếp lại bài bình, mà còn bồi hồi nuối tiếc, không biết tiếc cái chi chi…Và về sau vẫn còn lâng lâng nhớ, nhớ cái tứ của thơ, cái tứ của lời bình.
Một bài bình hay và chưa hay còn có phần của người đọc: bài nào hợp tâm tư tình cảm thì hay, bài không hợp thì không hay, vì vậy, nên chấp nhận chín người mười ý.
Mong rằng công việc bình thơ mỗi ngày sẽ một nhiều, góp phần phát triển và gìn giữ “thú chơi thơ tao nhã” đã có từ rất lâu.
“Bài thơ như ca khúc vừa mới sáng tác – người bình như nhạc sĩ hòa âm – độc giả là cô ca sĩ hát lên tất cả nỗi niềm trong đó có mình”.
(20.3.2024)
Phan Thanh Tâm (Cà Mau)