Cầu Dinh Ông, giấc mơ 300 năm (Phạm Ngọc Hiền)

Cầu Dinh Ông là cây cầu thứ tư và cũng có lẽ là cây cầu cuối cùng bắc qua hạ lưu sông Ba. Lẽ ra, cầu Dinh Ông phải là cây cầu đầu tiên bắc qua con sông này. Tại sao nói như vậy ? Bởi ngày xưa, con đường thiên lý Bắc Nam chạy ngang qua thành Hồ của người Chiêm Thành. Khách bộ hành qua bến đò Bầu Đục để sang bến Phước Thịnh, Mỹ Thạnh bên kia sông. Từ đây, người ta đi thẳng vào xã Hòa Thịnh, rồi men theo chân núi Hòa Xuân để vào Khánh Hòa. Nghĩa là ngày xưa, người ta đã mơ ước có một cây cầu bắc qua hai bờ sông Ba ở vị trí gần với cầu Dinh Ông ngày nay.

Vào thế kỷ XVII, người Việt đã chính thức làm chủ đất Phú Yên. Nhưng trong thời gian đầu, họ sống chủ yếu ở phía bắc tỉnh. Từ thế kỷ XVIII trở đi, người Việt mới tập trung về đồng bằng Tuy Hòa, nhu cầu qua lại sông Đà Rằng càng lớn. Năm 1929, người Pháp xây dựng cầu Đà Rằng, cạnh đó còn có cầu đường sắt. Năm 1971, chính quyền Sài Gòn xây dựng lại cây cầu này. Nó từng được xem là cây cầu dài nhất và hiện đại nhất miền Nam. Đến năm 2019, người ta xây dựng cây cầu Đà Rằng mới sát bên cạnh cây cầu cũ. Xung quanh cầu Đà Rằng còn có thêm hai cây cầu khác. Đoạn sông phía trên có cầu Đà Rằng mới (trên đường tránh quốc lộ 1A). Đoạn phía dưới có cây cầu thứ ba mang tên Hùng Vương. Và thứ tư là cầu Dinh Ông, cách thành phố Tuy Hòa 15 km về hướng Tây. Cầu Dinh Ông xây sau cầu Đà Rằng (cũ) gần một thế kỷ. So với ba cây cầu đàn anh thì cầu Dinh Ông có quy mô nhỏ hơn. Cầu có chiều dài 1,4 km, nối liền quốc lộ 25 (đoạn qua xã Hòa Định Đông, huyện Phú Hòa) và quốc lộ 29 (xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa). Cầu Dinh Ông được khánh thành trong đợt kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Phú Yên (1989 – 2019).

Đối với nhiều người Phú Yên, việc xây dựng cầu Dinh Ông không phải là một sự kiện lớn của tỉnh. Nhưng đối với người dân hai huyện Phú Hòa, Tây Hòa thì đây là sự kiện rất lớn. Nhiều thế hệ dân cư hai bên bờ sông Ba đã chờ đợi sự kiện này từ nhiều thế kỷ qua. Nếu cây cầu này được xây sớm hơn, có lẽ sẽ giúp cho đồng bằng Tuy Hòa phát triển mạnh hơn so với bây giờ. Vùng nông thôn Tây Hòa và Phú Hòa rất trù phú, nhu cầu giao thông rất lớn. Nhưng con sông Đà Rằng dài rộng mênh mông đã ngăn cách hai vùng, gây khó khăn cho việc giao thương. Có một thời, xe chở mía từ huyện Sơn Hòa, hoặc xã Hòa Hội, Hòa Quang muốn đến nhà máy đường Đồng Bò phải đi vòng vèo xuống tận thành phố Tuy Hòa, qua cầu Đà Rằng, chạy sang Phú Lâm rồi vòng lên Hòa Phong, dài khoảng 80 km đi và 80 km về. Người dân vùng Tuy Hòa Nam muốn mang nông sản sang bán cho Tuy Hòa Bắc phải lựa mùa nước mà đi. Những tháng nước lớn thì không có thuyền bè nào qua lại.

Những tháng khô hạn, sông Đà Rằng chỉ còn một lạch nước nhỏ sát bờ bắc. Khi ấy, người dân hai bên bờ qua lại thăm nhau, buôn bán nông sản. Gia đình ông ngoại tôi làm nghề đan lát ở thôn Vinh Ba. Những năm 1960, ông thường gánh bồ lội qua sông bán cho các xã ở khu II (huyện Phú Hòa). Ông đi tới thôn nào, có bà con họ hàng ở thôn đó, ăn ngủ thỏa mái, đi làm mà giống như đi chơi. Những năm 1980, ba tôi cùng nhiều người trong xóm đi buôn gạo qua sông Đà Rằng. Mỗi người thồ một bao gạo nặng trịch, đẩy xe đạp đi trên bãi cát dài, từ phía bờ nam (xã Hòa Bình, Hòa Thành) đến bờ bắc (xã Hòa Thắng, Hòa An) rồi xuống thị xã. Nhiều thanh niên ở khu II sang khu I (huyện Tây Hòa) làm thợ, buôn bán… Trai gái hai vùng lấy nhau, tạo sự kết nối thân mật giữa hai bờ. Đến những tháng nước sông dâng cao, sự giao lưu của hai vùng gián đoạn. Người con gái lấy chồng xa đứng bên này sông nhìn sang nhà mẹ bên kia sông, xót cảnh mẹ già đau bệnh nhưng không thể sang thăm được vì thiếu một cây cầu.

Tôi cũng có nhiều kỷ niệm với sông Đà Rằng. Nhà tôi ở phía nam sông nhưng từng có thời gian dạy học ở phía bắc sông. Cuối tuần, tôi thường về nhà qua bến đò Phong Niên. Mùa nước cạn thì vác xe đạp lội sông, rất hồi hộp vì đã có nhiều người bị sụp cát chết. Khi nào nước tương đối lớn, tôi phải đi đò. Sau khi ngồi đò qua một con lạch khoảng 50 mét, tôi dắt xe đạp đi bộ trên bãi cát nóng bỏng dài 1000 mét mới tới bờ bên kia. Có lần, tôi đi ngược lại, từ nhà sang bến đò vào buổi tối. Tôi đứng phía bên này sông, bắc tay hú gọi mãi mà không thấy đò. Tôi đành dắt xe đạp quay lại trong đêm tối đen như mực, mưa dầm rả rích. Qua hết bãi cát dài thăm thẳm, tôi lại mò mẫm tìm đường vào xóm, mấy lần húc vào bụi rậm, té xuống ruộng. Cuối cùng, tôi cũng ra được đường lớn, xuống Phú Lâm, sang thị xã Tuy Hòa, vòng lên Hòa Thắng. Tôi về đến nội trú trường THPT Trần Quốc Tuấn vào lúc nửa đêm. Hôm ấy, tôi phải đạp xe cả đi lẫn về trên con đường dài tới 50 km. Sau này, sắm được chiếc xe máy, tôi bỏ đi đò. Nhưng mỗi lần về quê, phải chạy xuống thị xã, sang thị trấn rồi vòng lên Hòa Đồng, tức là đi ba cạnh của hình chữ nhật. Cạnh còn lại ngắn thôi nhưng chỉ được kết nối khi có một cây cầu.

Vừa mới khánh thành xong, Cầu Dinh Ông đã đón rất nhiều xe ô tô chở hàng hóa, vật liệu chạy ngược xuôi. Chứng tỏ nhu cầu thông thương giữa hai vùng rất lớn. Tôi thấy những chiếc xe tắc xi, xe máy chạy trên cầu mang niềm vui kết nối tình thân họ hàng, bạn bè giữa các huyện Tây Hòa, Sông Hinh với Phú Hòa, Sơn Hòa… Và cũng có nhiều thanh niên từ xa đến đây để khám phá những vẻ đẹp của cây cầu mới. Họ chụp hình lưu niệm vẻ đẹp dân dã ở bờ nam sông Ba. Cây cầu còn kết nối hai di tích văn hóa nổi tiếng là Thành Hồ và Dinh Ông, hứa hẹn những tiềm năng du lịch mới.

Phạm Ngọc Hiền

Phamngochien.com.vn - 16:09 - 01/01/2024 - Bài liên quan Phạm Ngọc Hiền
Từ khóa:

Để lại một bình luận