1. Mở đầu
Cảm hứng giữ một vai trò quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật. Nó tuân theo quy luật tình cảm, chi phối nội dung và hình thức của tác phẩm. Trong Từ điển thuật ngữ văn học (Lê Bá Hán…, 1992), cảm hứng được định nghĩa là “trạng thái tình cảm mãnh liệt, say đắm xuyên suốt tác phẩm nghệ thuật, gắn liền với một tư tưởng xác định, một sự định giá nhất định gây tác động đến cảm xúc của những người tiếp nhận tác phẩm”. Cảm hứng chính là một tình cảm xã hội đã được ý thức, là sự rung động của tâm hồn nhà văn trước cuộc đời. Ở một khía cạnh khác, cảm hứng là điều kiện không thể thiếu, là linh hồn của tác phẩm, góp phần làm nên sức sống lâu bền cho tác phẩm.
Là một nhà thơ, nhà văn, nhà báo nổi bật trong làng văn chương Việt Nam, Đồ Phồn đã để lại nhiều dấu ấn trong các lĩnh vực sáng tác của mình. Tiểu thuyết Khao của Đồ Phồn là một tác phẩm nổi bật trong nền văn học hiện đại Việt Nam không chỉ bởi nội dung sâu sắc mà còn mang đậm cảm hứng thế sự khi tác giả viết về những biến động xã hội. Khao không chỉ phản ánh cuộc sống thực tế mà còn khơi gợi những vấn đề xã hội phức tạp, đan xen giữa các giá trị cũ và mới, giữa cá nhân và cộng đồng bằng cái nhìn trào phúng của nhà văn.
Khao xoay quanh cuộc sống của những người dân nông thôn tại một làng quê nghèo khó, nơi tục lệ truyền thống xung đột với văn minh hiện đại trong buổi giao thời. Không chỉ khắc họa chân thực cuộc sống khốn cùng của người nông dân, Đồ Phồn đã khéo léo lồng ghép những câu chuyện riêng của từng nhân vật trong bối cảnh chung của xã hội, từ đó làm nổi bật lên những giá trị nhân văn mà tác phẩm muốn truyền tải.
2. Nội dung
2.1. Vấn đề đạo đức và lối sống trong buổi giao thời
Trong bối cảnh đạo đức phong kiến đang dần suy thoái, xã hội Việt Nam qua tác phẩm Khao của Đồ Phồn hiện lên với đầy rẫy những bất công và xung đột. Đây là thời kỳ mà những giá trị truyền thống từng được coi trọng dần bị lung lay trước sự đổi thay của thời cuộc. Con người lúc bấy giờ không chỉ bị gò bó trong những chuẩn mực đạo đức cứng nhắc mà còn phải đối mặt với sự phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc. Tầng lớp quan lại và địa chủ không ngừng bành trướng quyền lực, trong khi nông dân bị chèn ép, bóc lột không thương tiếc. Sự đối lập đó đã tạo nên một xã hội phân cấp, nơi mà các giá trị nhân bản bị mài mòn, lòng người trở nên bạc bẽo, thờ ơ trước những cảnh đời khốn khó.
Trong bối cảnh ấy, Khao khắc họa rõ nét những mâu thuẫn và nghịch lý của xã hội, đồng thời phản ánh sự suy thoái đạo đức và giá trị truyền thống trong gia đình, nơi mà những mối quan hệ và trách nhiệm giữa các thế hệ đang dần bị rạn nứt.
Lão Phó Cò trong truyện không chỉ là hình ảnh tiêu biểu cho tầng lớp dân quê nghèo khó, mà còn là biểu tượng cho sự bế tắc và bất lực của những người sống trong thời kỳ xã hội đầy rẫy những biến động. Mặc dù lão đã sống một cuộc đời lê thê dài với chín đứa con và những gánh nặng gia đình, nhưng những gì lão để lại chỉ là sự nghèo khó và một miếng đất cầm cố. Thêm nữa, những đứa con của lão:“những đứa hiếu đạo đều là đứa yểu số, hoặc nghèo xác nghèo xơ. Còn những đứa tổ độ mát mày mát mặt lại cư xử với lão chả ra gì ráo” (Đồ Phồn, 2023, tr.7). “Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên”, cảnh ngộ của lão Phó Cò không chỉ phản ánh sự thống khổ của một người cha trong cảnh nghèo khó mà còn cho thấy gốc rễ cội nguồn của một gia đình đang dần lung lay trong một bối cảnh xã hội trì trệ .
Một trong những người con trai của lão là Hai Cốc. Hai Cốc bỏ nhà đi biệt mấy mươi năm. Trở về nhà trong một đêm tối trời, gõ cửa vào nhà bằng một giọng hách dịch, hùng hổ nện giày từ xa tới gần:“Ba, à… bố có nhẽ không nhận ra tôi đấy nhỉ? Tôi đây mà. Hai Cốc đây!” (Đồ Phồn, 2023, tr.26).“Còn lão được dịp, tha hồ mếu máo, rên la kể lể: Hu hu! Con đi đâu mà bỏ thày ngót ba chục năm nay? Mà lại cũng chẳng về chi cả. Mà lại cũng chẳng đánh cho thày lấy một cái giấy để biết con còn mất thế nào? Hu hu! Mà con vợ con nó cũng lại… hu hu… hức hứ…” (Đồ Phồn, 2023, tr.27). Bỏ nhà ra đi, Cốc cũng bỏ vợ ở lại và rất bình thản khi nghe tin vợ mình theo trai:“Nó đi rồi, hay nó chết cũng không sao… Nhưng ba bảo vợ tôi làm sao? Nó đi hay nó chết? – Nó đi theo giai mà lại. Một tiếng thở dài nhẹ nhõm: Thế cũng tốt. Vậy thì…” (Đồ Phồn, 2023, tr.27, 28). Chi tiết “Hai Cốc bỏ nhà đi biệt ngót 30 năm, bố không hay tin tức” và “vợ Hai Cốc bỏ nhà theo giai” có mối liên hệ chặt chẽ, cùng nhau tạo nên một bức tranh xã hội rối loạn, nơi các giá trị gia đình và đạo đức truyền thống bị phá vỡ hoàn toàn. Cả hai chi tiết này đều phản ánh sự tan rã của các mối quan hệ gia đình, đồng thời minh họa cho sự suy thoái của xã hội phong kiến trong tác phẩm Khao của Đồ Phồn.
Việc Hai Cốc bỏ nhà đi biệt cho thấy một cá nhân không còn gắn bó với gia đình, bất chấp trách nhiệm và nghĩa vụ đối với người cha. Việc này không chỉ thể hiện sự thiếu trách nhiệm, mà còn cho thấy sự bất ổn trong tâm lý và giá trị sống của Hai Cốc, một con người có lẽ đã mất niềm tin vào xã hội và cả những giá trị gia đình. Hành động ra đi của Hai Cốc cũng là dấu hiệu cho thấy những áp lực xã hội quá lớn, khiến hắn chọn cách rời bỏ quê nhà để thoát khỏi những ràng buộc của khó nghèo của đất lề quê thói. Trong khi đó, vợ Hai Cốc bỏ nhà theo trai là hệ quả tất yếu của một gia đình tan vỡ. Khi người chồng đã rời xa nhà suốt mấy mươi năm không tin tức, người vợ cũng mất đi chỗ dựa và không còn duy trì được mối quan hệ gia đình bền vững. Hành động bỏ theo trai của vợ Hai Cốc có thể xem là bằng chứng của sự rạn nứt trong mối liên hệ gia đình, đặc biệt là hôn nhân, vốn được coi trọng trong xã hội phong kiến. Sự phản bội của người vợ không chỉ là một hành động cá nhân, mà còn phản ánh sự thay đổi của thời đại, khi các chuẩn mực đạo đức bị phá vỡ, con người không còn gắn bó với nhau bằng tình cảm hay bổn phận như trước.
Hai chi tiết này kết hợp với nhau làm nổi bật một xã hội đầy bất ổn và hỗn loạn. Gia đình, vốn là tế bào quan trọng nhất của xã hội phong kiến, đã tan rã trước sự thay đổi của thời cuộc. Khi người chồng bỏ đi, người vợ cũng không còn lý do để chung thủy. Các chi tiết này đã phản ánh sự tha hóa của con người trong một thời kỳ đạo đức xuống dốc. Điều này cho thấy rõ tác động tiêu cực của bối cảnh xã hội đến đời sống gia đình và các mối quan hệ cá nhân.
Nhìn chung, tác phẩm Khao của Đồ Phồn không chỉ khắc họa cuộc sống khốn khó của tầng lớp nông dân trong bối cảnh xã hội đầy biến động mà còn làm nổi bật sự sụp đổ của những nền tảng đạo đức căn bản trong xã hội phong kiến, mối quan hệ cha con và chồng vợ trong gia đình. Hình ảnh lão Phó Cò, với những gánh nặng gia đình và số phận bất hạnh thể hiện rõ nét tình trạng bế tắc của một thế hệ không thể duy trì các giá trị đạo đức truyền thống. Qua hình ảnh Hai Cốc và sự phản bội của vợ, Đồ Phồn đã chỉ ra rằng khi những mối quan hệ này bị xói mòn, xã hội sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn và tan vỡ. Sự thiếu gắn kết và trách nhiệm giữa các thế hệ không chỉ dẫn đến sự tan rã trong gia đình mà còn làm suy yếu cả một xã hội. Khi nền tảng đạo đức của tam cương ngũ thường đã sụp đổ, con người trở nên xa cách, thờ ơ trước nỗi đau và khốn khó của nhau. Vốn là tiểu thuyết trào phúng, tiếng cười trong Khao là một lời cảnh tỉnh về tầm quan trọng của những giá trị nhân bản và trách nhiệm trong gia đình, nhấn mạnh rằng chỉ khi các mối quan hệ này được gìn giữ và phát triển, xã hội mới có thể tìm thấy ánh sáng giữa những tối tăm của thời cuộc.
2.2. Bộ mặt của giai cấp phong kiến thống trị đương thời
Trong bối cảnh xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỉ XX, giai cấp phong kiến thống trị gần như đi tới sự tận cùng của sự mục ruỗng. Tuy nhiên, dưới lớp vỏ bọc của quyền lực, hiện thực của tầng lớp này lại ẩn chứa nhiều nghịch lý và bất công. Giai cấp thống trị không chỉ sống trong nhung lụa mà còn thể hiện một lối sống xa hoa, phung phí, thờ ơ với cuộc sống khốn khó của tầng lớp thấp hơn. Chính sự chênh lệch này đã tạo nên một xã hội phân hóa sâu sắc, nơi mà các giá trị nhân bản dần bị lãng quên. Thông qua tiểu thuyết Khao, Đồ Phồn đã khéo léo phơi bày bộ mặt thật của giai cấp phong kiến, từ đó chỉ ra những mâu thuẫn và bất công hiện hữu.
Nơi cái đình làng có ba gian, qua lời kể của Đồ Phồn, người đọc thấy được bầu không khí nhộn nhịp của nơi này:“…hai dẫy bệ chiếc thấp chiếc cao, ở hai bên tả hữu ban đóng từng chiếu một theo tôn ti trật tự…” (Đồ Phồn, 2023, tr.17). Hình ảnh “hai dãy bệ chiếc thấp chiếc cao” cho thấy sự phân chia rõ ràng trong xã hội, nơi người trẻ và người già, thân và sơ ngồi thành hai dãy dài. Điều này phản ánh một cách tinh tế mối quan hệ giữa các thế hệ và sự kính trọng mà người trẻ dành cho người già trong văn hóa truyền thống. Thế nhưng, hình ảnh “họ ngồi làm hai dẫy dài, và bàn, và cãi, và hét, và cười liên thanh không ngớt. Những miệng bé không đủ sức gào thì chuyền nhau hút thuốc” (Đồ Phồn, 2023, tr.17), người đọc ngao ngán thay cái bát nháo, nhố nhăng nơi ấy. Không còn chút gì của vẻ đẹp truyền thống trước đây.
Trong khung tranh chữ ấy, hai nhân vật nổi bật ở chiếu trên và chiếu dưới là cụ Tiên và cụ Thứ. “Cụ Tiên vẫn ngồi trên chiếc bệ cao nhất đình. Cụ là một Tuần phủ về hưu, nên có tấm thân cân quắc, tấm mặt phương phi, chòm râu bạc phơ, mười móng tay lêu lổng dài, với một cái bụng kiêu hãnh… phưỡn. Cụ được làm nên là nhờ ở cái bụng. Lúc nào nó cũng phưỡn ra, như sau năm năm về vườn, nó vẫn chưa tiêu hết đồ mỹ vị cao lương, làm mỗi khi cụ cất tiếng “hinh hích” cười, nó lại rung nẩy nẩy lên ngạo mạn với thiên hạ. […] Chiếu dưới cụ Tiên là cụ Thứ. Một cựu chiến binh không chối cãi được ở cái diện mạo quá sáo: mắt sâu mày rậm, da mồ hóng và hai càng râu vểnh ngược lên trêu tức cặp lưỡng quyền gồ. Vận nam phục, cụ không thể đội được mũ chào mào. Nhưng nơi ngực vẫn có thể treo đủ một giá sáu cái mề đay. Và dưới bệ cụ, vẫn trung thành cho chủ xỏ chân vào, là đôi giày “săng đá”, chút dư huệ từ hồi đại chiến thứ nhất” (Đồ Phồn, 2023, tr.18).
Nhân vật Cụ Tiên là một hình tượng nổi bật đại diện cho tầng lớp quan lại đã về hưu, thể hiện rõ nét sự suy đồi của đạo đức phong kiến trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ. Cụ Tiên được khắc họa với hình ảnh bệ vệ, cao ngạo, ngồi trên chiếc bệ cao nhất đình, là biểu tượng của quyền lực và danh vọng. Vóc dáng của cụ, từ “tấm thân cân quắc đến chòm râu bạc phơ và cái bụng kiêu hãnh phưỡn ra” không chỉ thể hiện sự giàu sang mà còn ám chỉ sự tham lam và hám lợi, kết quả của cuộc đời thừa hưởng những mỹ vị cao lương mà cụ đã tích tụ trong suốt thời gian tại chức. Cái bụng của Cụ Tiên được nhấn mạnh như một điểm đặc trưng, tượng trưng cho sự no đủ và giàu có, nhưng đồng thời lại toát lên vẻ ngạo mạn, khinh người. Cụ được làm nên là nhờ ở cái bụng, ám chỉ rằng những gì cụ đạt được không phải nhờ công trạng hay tài năng mà từ lòng tham và sự hưởng thụ vật chất. Hình ảnh “bụng phưỡn ra và rung nẩy nẩy lên ngạo mạn với thiên hạ mỗi khi cụ cười hinh hích” càng làm nổi bật sự hời hợt, nông cạn và kiêu căng của một lớp người đã qua thời hoàng kim nhưng vẫn còn ảo tưởng về quyền uy và địa vị của mình.
Bên cạnh Cụ Tiên là Cụ Thứ, một cựu chiến binh có diện mạo “quá sáo.” “Cặp mắt sâu mày rậm, da mồ hóng và hai càng râu vểnh” của cụ cho thấy một con người từng trải, chịu đựng nhiều gian khổ. Tuy nhiên, ở cụ vẫn hiện diện sự tự hào về quá khứ, thể hiện qua “giá sáu cái mề đay trên ngực”, những huy chương minh chứng cho danh dự và thành tích, nhưng giờ đây chỉ còn là hình thức sáo rỗng, không còn ý nghĩa thực tế.
Qua hình ảnh Cụ Tiên và Cụ Thứ, tác giả đã phơi bày một phần sự suy thoái của tầng lớp quan lại và chiến binh thời phong kiến. Nhân vật Cụ Tiên với cái bụng phưỡn ngạo nghễ vẫn hưởng thụ sự xa hoa mà không quan tâm đến nỗi khổ của dân chúng cùng với Cụ Thứ bị mắc kẹt trong vinh quang quá khứ, tạo nên một bức tranh xã hội đầy mâu thuẫn và bất công, nơi đạo đức bị xói mòn bởi lòng tham và sự kiêu ngạo.
Từ sự việc khao làng của lão Cò và mưu đồ của các nhân vật như cụ Thứ và cụ Tiên Chỉ, ta thấy rõ sự suy đồi trong cấu trúc quyền lực của xã hội. Trước hết, việc khao làng của lão Cò – một hành động mang ý nghĩa bề ngoài là để mừng thượng thọ – thực chất chỉ là một cớ để các cụ vơ vét. Thông qua hành động này, tác giả đã chỉ trích một xã hội mà các giá trị như công bằng và lẽ phải không còn chỗ đứng, mà thay vào đó là sự lạm dụng quyền lực và tiền bạc để tạo dựng vị thế cá nhân. Cụ Thứ và cụ Tiên Chỉ, những người được xem là bậc trưởng thượng cùa làng đã lợi dụng việc này để mưu cầu lợi ích riêng. Cụ Thứ gạt mượn của Cốc hai trăm, điều này thể hiện sự lạm quyền và trục lợi, khi người có quyền hành sử dụng vị thế của mình để ép buộc kẻ khác phải cung phụng cho mình. Đây là minh chứng cho sự tham lam vô độ của tầng lớp thống trị trong xã hội phong kiến. Cụ Tiên Chỉ, vu vạ và ép buộc Cốc tội “không xuống hầu quan”, “chửi làng”, và “không có danh nghĩa mà dám làm khao”, từ đó tạo cớ ép Cốc mua chức lý hào với giá ba trăm. Đây là một hình thức áp đặt quyền lực bất công và lợi dụng luật lệ để thao túng những người thấp cổ bé họng, ép họ phải tuân thủ theo ý đồ của mình. Cái tội mà Cốc bị buộc là “chửi làng” và “không có danh nghĩa mà dám làm khao” chẳng qua chỉ là những lý do ngụy tạo, nhằm đẩy Cốc vào thế yếu, buộc anh ta phải mua chức để tránh bị trừng phạt. Điều này cho thấy xã hội phong kiến không chỉ bất công mà còn tham nhũng, quyền lực không nằm ở đạo đức hay công lý mà ở sự dối trá và lừa lọc.
Bên cạnh những nhân vật như cụ Thứ và cụ Tiên Chỉ, tác giả còn vẽ nên một bức tranh sống động về lũ kền kền cơ hội như Lý Tân, cụ Bá và lão Tuần em.., những kẻ luôn trực chờ lợi dụng tình huống để trục lợi cá nhân. Những nhân vật này không đóng vai trò chính, nhưng họ lại là biểu tượng cho tầng lớp tay sai luôn phục tùng và sẵn sàng hưởng lợi từ sự bất công. Lý Tân, cụ Bá, lão Tuần em… không chỉ là những nhân vật phụ họa mà chính là hình ảnh phản chiếu sự thối nát của cả hệ thống quyền lực, khi mà những kẻ cơ hội luôn tìm cách leo lên nhờ vào sự lụi tàn của đạo đức và sự vô cảm trước nỗi thống khổ của người dân.
Điều này càng khắc sâu thêm giá trị hiện thực của tiểu thuyết, rằng xã hội phong kiến không chỉ mục ruỗng từ tầng lớp thống trị mà còn được tiếp tay bởi những kẻ như Lý Tân và cụ Bá, khiến cho tình trạng bất công ngày càng trở nên trầm trọng. Những kẻ như thế này tạo nên một hệ thống tham nhũng từ trên xuống dưới, nơi mà sự ích kỷ và tham lam ngự trị, còn những giá trị nhân bản thì bị lãng quên hoàn toàn. Tác giả thông qua việc khắc họa những nhân vật cơ hội này đã nhấn mạnh tính chất băng hoại của xã hội phong kiến, khi mà sự tha hóa không chỉ đến từ những người cầm quyền mà còn từ những kẻ cơ hội luôn sẵn sàng hưởng lợi trên nỗi khó khăn và sự ngu dốt của kẻ khác
2.3. Đời sống kinh tế nghèo nàn lạc hậu
Từ những dòng đầu tiên của truyện, chỉ bằng vài nét phác họa ngắn gọn, Đồ Phồn đã khéo léo giúp người đọc nhận ra sự nghèo khó của lão Cò. Không cần dài dòng, tác giả chỉ dùng vài câu miêu tả nhưng đã truyền tải trọn vẹn cái dáng vẻ già nua, nghèo khó của một kẻ “bạch đinh” đã sống nhiều năm trong xã hội thực dân nửa phong kiến. Nhân vật hiện lên như một biểu tượng cho tầng lớp dân quê nghèo khó, lam lũ: “Năm nay, lão vừa bảy mươi hai. Lại có chín con, một miếng đất ở, ba gian nhà. Ta có nên tính cả một mụ vợ gù và một con chó ghẻ? […] Một miếng đất ở đã đem cầm lấy tiền nộp ma khô cho vợ cả lão đâu từ năm trước. Ba gian nhà chỉ chờ được tiếp một cơn gió mạnh, là nằm kềnh ra ngửa mặt lên cười với giời” (Đồ Phồn, 2023, tr.7,8). Bạch đinh như lão, người ta thường gọi là bọn khố rách áo ôm. Lão cũng có áo, có khăn để “đóng bộ ra làng”: “Gọi áo, đó là bốn mảnh tã rách nhặt nhạnh ở bốn phương trời đem chắp lại. Gọi khăn, để khỏi lẫn với các thứ để lót nồi” (Đồ Phồn, 2023, tr.16). Qua lời giới thiệu ấy, người đọc dễ dàng cảm nhận được sự chua xót và bế tắc trong cuộc đời của lão Phó Cò. Tất cả những gì lão có chỉ là một mảnh đất đã cầm cố, một căn nhà xập xệ, một người vợ gù và con chó ghẻ. Đây không chỉ là sự miêu tả về tài sản vật chất nghèo nàn mà còn là biểu tượng cho số phận tủi nhục của những người dân quê dưới ách áp bức của xã hội thực dân. Đồ Phồn, qua lối viết hiện thực phê phán, đã không chỉ khắc họa hình ảnh Lão Phó Cò mà còn phản ánh rõ nét tình cảnh của cả một tầng lớp bị dồn ép, bóc lột, sống trong bần cùng và không có lối thoát. Lão Phó Cò trở thành nhân vật điển hình, là tấm gương phản chiếu sự suy đồi và bất công của thời đại, khiến người đọc vừa thương cảm vừa phẫn nộ trước thực trạng xã hội lúc bấy giờ.
Nhân vật Bảy Út trong tiểu thuyết không chỉ đại diện cho những người dân nghèo thành thị bị bóc lột mà còn là minh chứng rõ rệt cho tình trạng cùng cực mà họ phải gánh chịu. Bảy Út là con lão Phó Cò, tiếng là “được ông bà Tham Tính đem ra Hà Nội, nuôi cho ăn đi học thợ nhà in nhật báo” (Đồ Phồn, 2023, tr.29) nhưng thực chất là đầy tớ không công. Bảy Út thương cha, thương anh: “vì muốn góp một phần vào việc làm khao đỡ cho Hai Cốc, nên trước khi về, đã ký giấy vay chủ ba chục đồng, mà phải làm bù trong năm năm mới hết” (Đồ Phồn, 2023, tr.136). Và “từ hôm ra làm, địa vị nó ở trong bếp nước càng… quan trọng nhiều hơn. Rằng có khi thằng xe đi vắng, nó lĩnh chức kéo bà Tham đi chợ, hay ông Tham ra tòa. Rằng có khi con sen xin thôi, nó đã phải mỗi ngày giặt, một đống quần áo của ông Tham, của các cậu các cô, nhưng cũng chưa tủi cực bằng của cả… bà Tham nữa… Rằng sự học việc nó vẫn được đi một ngày hai buổi nhưng cốt để… phòng gian hơn là được xếp chữ […] tình cảnh nó ở ngoài này kham khổ lắm, ăn ít làm nhiều, bị chửi đánh càng nhiều hơn nữa” (Đồ Phồn, 2023, tr.137,138). Một công nhân sắp chữ có thể một tháng mươi đồng, thế mà ông bà Tham chỉ trả cho nó:“Mỗi tháng năm hào, cơm nuôi. Sức một thằng con giai mười tám, mà đi làm thợ mỗi tháng năm hào cơm nuôi” (Đồ Phồn, 2023, tr.136). Tình cảnh của Bảy Út thực sự thê thảm. Bảy Út đại diện cho những người lao động thành thị bị bóc lột, phải làm việc nặng nhọc mà không được trả công xứng đáng. Điều đáng buồn nhất là dù đã trưởng thành, Bảy Út không được tôn trọng như một người lao động có giá trị mà luôn bị coi như một “đầy tớ” trong nhà ông bà Tham. Bảy Út không những bị lợi dụng về sức lao động mà còn bị tước đoạt cả tương lai, khi việc học của cậu chỉ là bức bình phong để che mắt thiên hạ, chứ không phải nhằm mang lại cơ hội thăng tiến. Trong thực tế, cậu sống trong cảnh khốn khổ, làm việc quần quật nhưng không được trả công đúng mực, bị đánh mắng và luôn chịu sự khinh miệt. Qua nhân vật Bảy Út, tác giả Đồ Phồn đã khắc họa một hình ảnh đầy bi thương của tầng lớp lao động trong xã hội đương thời, những con người sống trong sự áp bức, bất công, bị tước đoạt không chỉ về vật chất mà còn về cả tinh thần và quyền sống cơ bản.
Nhìn chung, đời sống kinh tế nghèo nàn và lạc hậu trong xã hội thực dân nửa phong kiến được Đồ Phồn khắc họa rõ nét qua các nhân vật như lão Phó Cò và Bảy Út. Họ không chỉ đại diện cho những người dân quê nghèo khó, bị áp bức, mà còn là biểu tượng cho tình trạng bế tắc, bị bóc lột về vật chất lẫn tinh thần của tầng lớp lao động. Qua ngòi bút hiện thực phê phán, tác giả đã vạch trần sự bất công của xã hội, khiến người đọc phải suy ngẫm về những bất cập của thời đại và cảm thông sâu sắc cho số phận những con người nhỏ bé trong xã hội ấy.
2.4. Thói hư tật xấu của người đời
Trong bối cảnh xã hội suy thoái về mặt đạo đức, những thói hư tật xấu dần trở nên phổ biến và ăn sâu vào đời sống con người. Những con người nhỏ nhen, ích kỉ đến kẻ tham quyền cố vị đều thể hiện sự sa sút tinh thần và giá trị nhân bản. Xã hội khi đối mặt với sự phân hóa giàu nghèo, con người dễ bị cuốn vào vòng xoáy của ham muốn vật chất, dẫn đến việc sống giả tạo, trọng hình thức hơn là nội dung. Điều này không chỉ bộc lộ qua việc sĩ diện hão huyền, thích khoe khoang vẻ ngoài hào nhoáng nhưng bên trong trống rỗng, mà còn qua sự đố kị, tự ái vặt vãnh và những tranh chấp nhỏ nhặt. Đặc biệt, tầng lớp giàu có càng thêm tham lam, bóc lột những người nghèo khổ, sống xa hoa trên sự đau khổ của kẻ khác. Khi đạo đức suy đồi, thói hư tật xấu không chỉ làm băng hoại cá nhân mà còn đẩy xã hội vào tình trạng hỗn loạn và mục ruỗng
Sĩ diện hão là một trong những thói xấu phổ biến. Lão Cò không chịu được tiếng chửi cạnh khóe của hàng xóm từ đó nảy sinh những hành động và suy nghĩ lệch lạc, dẫn đến việc lão chạy đi chạy lại hàng chục lần, sắm trầu cau ra đình làng tố tay hàng xóm chửi mình, chỉ để tự ái và sĩ diện của mình không bị tổn thương: “Chạy vào, lão lại chạy ra… Cứ thế, lão đã đi ra, chạy vào hằng chục lần, tay chít khăn, miệng chửi. Lão còn chửi mãi cho đến khi vợ đem trầu cau về mới chịu thôi cho” (Đồ Phồn, 2023, tr.16 ). Hai Cốc cũng không vừa: “Đù cha đứa nào đòi bố ông làm khao nhé. Đù cha tổ đứa nào chửi bố ông không làm khao nhé! Đã thế, mai ông làm khao cho chúng nó biết tay” (Đồ Phồn, 2023, tr.55). Câu nói không chỉ phản ánh tâm lí tự ái, sĩ diện của nhân vật mà còn ngụ ý phê phán sâu sắc. Hành động “làm khao” không phải là đáp ứng yêu cầu mà là một phản ứng nông nổi cho thấy sự sùng bái hình thức và cái tôi cá nhân. Thói khoe mẽ của một kẻ cùng đinh thật là dễ khiến người ta cười ra nước mắt.
Dốt hay nói chữ cũng là một kiểu khoe khoang. Đoạn đối thoại của cụ Thứ với Hai Cốc cũng hài hước không kém: “Tốt lắm! “Bồng”! Tốt! “An cồn” nó chả “phoọc-ti-phi-ăng” mà lại. Chả thế mà mỗi khi đi “câu lơn”, “ma nớp”, chúng tôi vẫn “bụa”. Nhất cái độ “găng ghe” trước mỗi khi ra “phông” chúng tôi cứ “bụa” từng chai “bẹt-nô”, “áp-sanh”, “cốt-nhát”, nhờ thế đến bây giờ nó cũng còn được khỏe” (Đồ Phồn, 2023, tr.50). Ngôn ngữ trong đoạn trích này thể hiện rõ nét văn hóa sĩ diện qua cách khoe khoang về những thú vui vật chất, đặc biệt là qua việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Pháp trong bối cảnh Việt Nam. Cách nói chuyện nửa tây nửa ta như “phoọc-ti-phi-ăng”, “bẹt-nô”, “áp-sanh”, “cốt-nhát” nhằm khẳng định bản thân qua sự khác biệt, tạo ấn tượng về sự sành điệu và giàu có. Việc nhắc đến những loại rượu đắt tiền không chỉ để khoe khoang mà còn để thể hiện sự phóng túng trong lối sống, cho thấy cái sĩ diện không chỉ dừng lại ở vẻ ngoài mà còn được phô bày qua hành vi tiêu xài xa hoa. Điều này phản ánh tâm li ham mê vật chất và sự trọng danh dự hão huyền, những yếu tố thường thấy trong một xã hội mà giá trị thật bị lấn át bởi hình thức bề ngoài. “Con gà ganh nhau tiếng gáy” là một thói thường thấy trong xã hội nông thôn xưa.
Không chỉ dừng lại ở đó, một thói xấu của người Việt cũng được Đồ Phồn đưa vào tiểu thuyết của mình. Trong tác phẩm, tác giả đã khéo léo thể hiện thói ghen ăn tức ở của người dân làng qua những chi tiết sinh động và chân thực. Tin đồn về Hai Cốc nhanh chóng lan rộng, tạo nên một không khí xôn xao trong làng. Những người xung quanh không ngừng phao tin, đoán già đoán non về tài sản của Hai Cốc, từ bạc trăm đến bạc vạn. Điều này không chỉ thể hiện sự tò mò mà còn bộc lộ bản chất tầm thường của con người trong việc so bì, ganh ghét. Mỗi người đều muốn thể hiện cái biết của mình nên mọi thông tin về Hai Cốc cứ được phóng đại lên. Việc “ai cũng muốn làm cho cái tin mình biết được quan trọng hơn tin của kẻ khác” (Đồ Phồn, 2023, tr.39) cho thấy tâm lý ganh đua không chỉ dừng lại ở việc so sánh về vật chất mà còn lộ rõ thêm cái bản chất tò mò tọc mạch của những người hàng xóm.
Vô tửu bất thành lễ là một nét văn hoá xưa. Nhưng cái kiểu say sưa như trong tiểu thuyết của Đồ Phồn thì quả làm cho người ta kinh hãi: “Một vài cụ say ngã dúi xuống mâm. Say vẫn cứ uống! Một vài khách mửa thốc xuống gầm giường. Mửa rồi lại uống” (Đồ Phồn, 2023, tr.121). Trước hết, hình ảnh “một vài cụ say ngã dúi xuống mâm” thể hiện sự tàn tạ của những người đàn ông đã đến tuổi xế chiều nhưng vẫn không từ bỏ thói quen nhậu nhẹt. Cách dùng từ “ngã dúi” không chỉ mô tả sự say xỉn mà còn nhấn mạnh sự mất kiểm soát của họ, cho thấy rượu đã lấn át cuộc sống và sức khỏe của những người già. Thật là già mà không nên nết. “Say vẫn cứ uống” và “một vài khách mửa thốc xuống gầm giường” là những chi tiết đắt giá được lẩy ra từ đời thực của những kẻ sống buông thả, thiếu tự trọng. Qua đó, tác giả không chỉ phê phán thói rượu chè mà còn chỉ ra hệ lụy của nó đối với xã hội, khi con người đã đánh mất giá trị nhân bản của mình trong những cuộc vui chóng vánh.
Đâu chỉ có thế, bữa khao ở nhà Thất Cò là một mảnh ghép của bức tranh về những tệ nạn xã hội đang diễn ra trong đời sống con người: “Ai chả biết nhà ông ăn khao, nhà ông xóc đĩa, nhà ông hút thuốc phiện lậu, nhà ông uống rượu lậu” (Đồ Phồn, 2023, tr.87). Các hình ảnh được nêu lên như “ăn khao”, “xóc đĩa”, “hút thuốc phiện lậu”, “uống rượu lậu” không chỉ là những hành động cụ thể mà còn đại diện cho những tệ nạn xã hội đang ăn sâu vào đời sống con người. Tệ nạn đánh bạc, nghiện ngập, rượu chè được xem như những gốc rễ của sự suy đồi đạo đức, phá hoại hạnh phúc gia đình và tình cảm giữa con người với nhau. “Ai chả biết” là quá biết, quá quen và những thói ấy trở nên quá đỗi bình thường.
Qua tất cả những hình ảnh đó, bức tranh về một xã hội xuống dốc được khắc họa rõ nét. Tác giả Đồ Phồn đã sử dụng tiếng cười châm biếm để làm nổi bật những thói hư tật xấu phổ biến trong đời sống, từ đó cảnh tỉnh con người về tầm quan trọng của việc giữ gìn đạo đức và giá trị chân thật trong xã hội.
3. Kết luận
Hình ảnh và âm thanh kết thúc tiểu thuyết mang đến cho người đọc một tầng ý nghĩa sâu sắc:“Trên các cột, mọt vẫn nghiến lên từng tràng ken … két dài”(Đồ Phồn, 2023, tr.189). Âm thanh ken két như sự xói mòn âm thầm mà bền bỉ đang diễn ra trong các cột kia. Điều đáng sợ là quá trình phá hủy ấy không dễ nhận ra. Như vậy, hình ảnh “mọt gỗ” vừa là biểu tượng của sự băng hoại, vừa là lời nhắc nhở về những mối họa tiềm ẩn mà con người phải luôn cảnh giác trước sự suy thoái của một xã hội đang mục ruỗng về các nền tảng giá trị.
Chung quy lại, tiểu thuyết Khao của Đồ Phồn không chỉ đơn thuần là một tác phẩm văn học mà còn là một bức tranh sống động phản ánh chân thực đời sống xã hội Việt Nam trong bối cảnh lịch sử cụ thể. Tác giả đã khéo léo lồng những cảm hứng thế sự sâu sắc vào từng trang viết, khơi dậy trong người đọc những trăn trở về giá trị nhân văn. “Mỗi tác phẩm là một kết cấu vẫy gọi” và tiểu thuyết Khao vẫn gợi cho người đọc hôm nay bao điều suy nghĩ về cảm hứng thế sự của ông.
* Tài liệu tham khảo:
Đồ Phồn, Bùi Huy Phồn. (2023). Khao – Phất. Hà Nội: NXB Văn học.
Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (chủ biên). (1992). Từ điển thuật ngữ Văn học. Hà Nội: NXB Giáo dục.
Phạm Ngọc Hiền. (2018). Tiểu thuyết Việt Nam 1945 – 1975 . TP Hồ Chí Minh: NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
Trường Đại học Cần Thơ. (2014). Cảm hứng thế sự và cảm hứng đạo lí trong truyện ngắn sau 1975 của Nguyễn Quang Sáng. Cần Thơ: Tạp chí khoa học trường Đại học Cần Thơ , 32.