Cá chê canh – Trần Tâm (Quảng Ninh)

 Đến Sơn La, tôi may mắn được làm quen với một người Thái Trắng Mường Vạt. Anh tên là Cầm Ngoan Long. Vợ Long đã về mường trời hơn một năm nay. Ba đứa con anh, một đi bộ đội, đóng quân ở Tây Nguyên. Hai con gái bé, đang học trung học phổ thông trường nội trú tỉnh, có khi nửa tháng mới về nhà một lần.
 Người Thái là dân tộc sống lâu đời nhất vùng núi Tây Bắc Việt Nam bao gồm nhiều nhóm, ngành lớn. Họ đã cùng các dân tộc khác kiến tạo nên nền văn hóa vật chất cổ truyền độc đáo. Xuất xứ từ phía nam Trung Quốc, họ có cùng nguồn gốc với các nhóm dân như Choang, Tày, Nùng. Người Thái di cư đến Việt Nam trong thời gian từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIII và luôn định cư gần nguồn nước, gần thung lũng có nhiều sông suối.
 Món ăn phổ biến của người Thái trong lễ hội là thịt luộc, thịt nướng chấm nậm pịa (món nước chấm lấy từ đầu lòng non của các con vật ăn cỏ như trâu, bò, nai, hoẵng, ngon nhất là hoẵng), canh rau thịt. Anh kể thịt lợn luộc nộm với các lá thơm có vị cay, nóng. Thịt ba chỉ được xát rau mùi, rau thơm, củ sả, húng quế, hạt tiêu, gừng với muối vừa ăn được đem nướng vàng, thơm phức. Người Thái thường ăn với xôi nếp nương, vừa dẻo vừa thơm, đậm đà, da diết.
 Quả là anh rất thích, hẹn có dịp về Cẩm Phả ngắm băng tầng, chui lò cùng thợ mỏ xem nó thế nào. Anh rất vui mời tôi vào nhà. Ngôi nhà sàn nho nhỏ xinh xắn nằm ngay cạnh đường. Tôi được tận hưởng cái hương vị rất riêng của mùi khói bếp. Nghe bè bạn dặn khi được người Thái mời cơm, phải đợi gia chủ sắp chỗ. Thế mà tôi vinh dự ngồi chỗ dựa vách là chỗ dành riêng cho người cao tuổi và khách quý. Trong bữa cơm trưa hôm ấy, chủ nhân cho ăn món lạ. Đó là món cá chiên vàng, cả thịt và xương giòn tan. Lớp vảy phồng lên, vàng ươm vì mỡ nóng. Bên cạnh là đĩa cá da trơn, thịt cá ngọt thơm, beo béo. Tôi len lén ngửi, thơm và tuyệt nhiên không hề gợn chút tanh nào. Cá suối chiên thường chấm ăn cùng nước mắm nguyên chất với hương vị đậm đà. Nếu điểm thêm vài lát ớt đỏ tươi nữa thì ngon… không còn gì để nói nữa. Đằng này là món cá nướng, tẩm ướp với các gia vị như rừng, sả, ớt… dùng vỉ kẹp chặt, bắc lên than hồng đến khi cá chuyển sang màu vàng ruộm. Cắn miếng cá thơm lừng, ngọt đậm, tôi hỏi mới biết đó là cá chê canh. Người ở xa thì may mắn mới được nhìn thấy nó, nói gì ăn.
 Cá chê canh là loài cá nước ngọt da trơn quý hiếm ở bản Nậm Lộng (xã Hang Chú. Bắc Yên. Sơn La). Nhờ có cấu tạo cơ quan hô hấp phụ đặc biệt mà cá chê canh có thể hô hấp bằng khí trời. Loài cá này có khả năng dùng vây để leo bám, di chuyển phía trên các phiến đá trơn, tảng đá nổi chìm bên suối tìm kiếm thức ăn hoặc trốn tránh loài thú ăn thịt khác. Kích thước lớn nhất của chúng cũng chỉ bằng cổ tay, thân giống cá trê. Mỗi con trưởng thành nặng chừng hai lạng. Chúng thường sinh sống nơi ao, hồ, ruộng mương với nhiều bùn lầy, khe suối, hốc đá… đầu nguồn những con suối trong vắt, nước đêm ngày chảy róc rách. Là loài cá siêu sạch, nước đang trong ngả sang đục là cá không sống được. Thịt cá ngon nức tiếng, thường được cho là loại thức ăn quý hiếm khiến nhiều thực khách săn lùng.
 Loại này, thưởng thức một lần lại muốn lần nữa. Người ta gọi theo tiếng Mông địa phương là “chê canh” (chê là cá, canh là cảnh, tức là cá cảnh).
 Trước đây theo dọc các khe suối loại cá này nhiều vô kể. Chỉ cần dùng lưới hoặc cần câu ngồi ven suối ne bắt một lúc được vài cân. Thịt cá rất thơm ngon, sạch và bổ dưỡng, ăn hầu như không có xương.
 Những năm trở lại đây, nhu cầu thưởng thức sôi động. Việc đánh bắt ngày một nhiều. Một số người dân vùng khác đến, dùng kích điện đánh bắt, khiến số lượng của cá ngày càng ít đi. Cá chê canh trở nên khan hiếm. Người nào may mắn mới bắt được chúng. Hơn nữa, các công trình nhà máy thủy điện vừa và nhỏ dọc khe suối phát triển, tác động không nhỏ đến môi trường sống, làm giảm số lượng của loại cá này.
 Trước khi tôi rời xa bản Nậm Lộng, Cầm Ngoan Long nắm chắc tay, dặn dò đủ thứ. Cảm ơn Cầm Ngoan Long đã cho mình thưởng thức món ăn ngon, mong có dịp đưa anh thử xuống chui lò, lên xem băng tầng một vài buổi.
 Rồi bùi ngùi, day dứt khi chia tay, tôi thấy có gì cay cay trong mắt nghe anh xót xa:
 – Để bảo vệ loại cá này, bà con bản Nậm Lộng đã đưa Chê canh vào danh sách các loài cần được bảo vệ, cấm đánh bắt bừa bãi và không bắt đem bán… Không biết lần sau các anh lên, cá chê canh liệu có còn không?
.

Phamngochien.com.vn - 06:27 - 07/04/2025 - Bài văn nghệ sĩ - Tư liệu
Từ khóa:

Để lại một bình luận