Kiều với thi nhân – Nguyễn Viết Lợi (Nghệ An)

Sau buổi sinh hoạt cuối năm của nhóm cafe – Truyện Kiều, ngày 29 tháng 12 năm 2012. Tại phòng 114 – B3 chung cư Quang Trung. Chẳng hiểu sao tôi cứ canh cánh lòng mà băn khoăn mãi với câu hỏi của anh Hà Tự – một thành viên của nhóm: “Không thuộc, không hiểu Kiều tại sao yêu, thích Kiều ?”.

Câu hỏi cứ xoáy vào suy nghĩ của nhiều người có mặt hôm đó. Nhưng mọi lý giải đều có phần ước lệ, thậm chí có câu trả lời vui, hài hước: “Vì Kiều đẹp”  (theo nghĩa đen). Có người lại hỏi: “Đã thấy Kiều bao giờ đâu mà…”.

Thúy Kiều là một nhân vật được hư cấu bởi các cốt truyện khác nhau như ta đã biết. Mà cụ Nguyễn Tiên Điền là người dụng công chuyển tải, chuyển ngữ, kỳ công gọt dùa để trở thành một tác phẩm hoàn thiện kể cả về cốt cách, thẩm mỹ. Được thế giới công nhận là kiệt tác như hiện nay.

Hãy trở lại với câu hỏi của anh Hà Tự. Anh đặt ra một đề tài thuộc “ngoài chuyên môn”, nhưng buộc ta phải suy nghĩ, phải cân đo đong đếm. Điều mà lâu nay ai cũng biết, cũng đau đáu tự đáy lòng mình: Không thuộc hết Kiều là căn bệnh của nhiều những ai đó mắc phải vì tuổi tác, vì bận rộn công việc đời thường và vì con cháu, họ hàng, hiếu hỷ,…

Tôi cũng là người lỏm bỏm về Kiều, câu được câu mất. Trong tay khi có đến 2, 3 tập truyện Kiều, khi chẳng có quyển nào, vì bạn bè mượn quên không trả. Nhưng quanh quẩn quanh ta, phảng phất quanh ta, bên kia bờ rào nhà ta. Hàng xóm vẫn vọng vang tiếng bà ru cháu lẫn trong mùi bồ kết những câu ca hoặc những điển tích lục bát. Tiếng cô thôn nữ đi học ở trường tỉnh mới về nghỉ hè cất lên ấm áp, nhiều điệu, câu hò ví dặm, rồi tiếng loa đài của các phương tiện thông tin đại chúng, cứ chiều chiều rộn vui cả một vùng quê yên tĩnh ngọt ngào hương lúa mà trong đó có không ít những bài thơ được phổ nhạc mang âm hưởng dân ca ba miền sâu lắng, cứ ngộ vào ta như những câu Kiều vạn chữ…

Kiều là thể thơ lục bát mà lục bát kế thừa văn hóa dân gian, như cơm gạo tẻ nó gần gũi với nhân dân tạo nên những tứ thơ quê mùa chất người, chất thơ đồng nội. Dân ca, ca dao, Kiều để lại cho ta một kho tàng bút pháp mà ai cũng gieo vần, cảm hứng được một đôi câu bởi vần điệu, âm hưởng của nó lấy từ cuộc sống bình dị của nhân dân lao động. Thẫm đẫm vào ta từ lời ru của mẹ, là quan ải ấu thơ trên võng, trên nôi, trên lưng mẹ qua câu ca truyền thống: Hát ru, hò, ví dặm, ca trù, ca Huế,.v.v…

Trong tâm thức người Việt. Lục bát là dạng cổ thi, bình dị luôn thập thò sự biểu cảm giữa hai chủ thể kinh điển và bình dân. Một thể thơ tưởng dễ nhưng không dễ chút nào bởi sự hài hòa, cân đối. Đó là báu vật mà Nguyễn Du gom nhặt được để đưa truyện Kiều nhập lưu vào dòng chảy ảo huyền lung linh của thể thơ truyền thống.

Qua lăng kính của nhà thơ ta dường như cảm nhận ngôn từ được trau chuốt, vần điệu được gom nhặt kỹ càng. Điển tích được sử dụng lô gích đầy cảm xúc trữ tình.

Hiện hữu của một thân phận con người mà đích cao là Truyện Kiều. Ở đây bằng cách sử dụng thi pháp, cách biểu đạt bình dân mà bác học. Sự cộng sinh trong lục bát dân ca, ca dao để độc giả tìm ra cái hay, cái đúng cái trúng của cụ Nguyễn. Ông thuộc mỹ tục, lễ nghi thạo nho y, lý số, tướng số. Thể hiện sinh động về hoàn cảnh xã hội thời thái bình thịnh trị của: “rằng năm gia tĩnh Triều Minh”… Mà thời nào cũng vậy phú quý sinh lễ nghĩa hay nói cách khác “ăn no ấm cật cho nên các lễ hội vui chơi phát sinh nhiều”: Thơ phú từ đó cũng nảy nở nhiều:

“… Cỏ xanh xanh tận chân trời
Cành Lê trắng điểm một vài bông hoa
Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh…”

Và trong tiềm thức, từ cội nguồn sâu xa, cũng từ chính tâm ta và từ trạng thái, điều kiện nơi sinh sống. Nguyễn Du viết truyện Kiều ở một thời điểm, ở một vùng quê ấm áp gam màu năng lượng thơ. Nơi neo níu hồn văn chương của danh nhân xứ Nghệ. Một môi trường sống ăm ắp lịch sử văn hóa miền ví dặm. Phản ánh tâm trạng của các nhân vật, như một nốt trầm về thân phận nàng Kiều.

Thời chiến tranh, cha tôi đi thoát ly, làm công chức nhà nước. Mẹ tảo tần sớm hôm no đói. Năm mẹ con nương vào Hợp tác xã. Nương vào củ khoai, mớ sắn ngọn rau má bò sát ruộng. Cả làng gồng mình chia sẻ đạn bom, no đói với Miền Nam. Thế mà đêm trăng tiếng hò phường cấy, tiếng mẹ vẫn ngọt ngào ầu ơ ru con. Một hôm tôi chợt tỉnh giấc vì thằng Hoài em tôi bị “lọ dái” uốn cả đêm. Mẹ ru con hết đồng quang sang đồng rậm, hết ru đến ví, hết ví đến lẩy Kiều mà em tôi vân khóc. Tủi thân, thương con mẹ cũng khóc nốt. Tôi nằm rúc sau lưng mẹ mà nghe như uống từng lời ru. Vì thương em, thương mẹ, thương thân phận của những câu thơ lục bát. Xúc động quá tôi khóc, tưởng tôi trở chứng bà mắng “thằng ni bệnh chi mà khóc nữa rứa mi ?”.

Tôi biết mẹ thức đêm nhiều vò rõ một thân, một mình chăm em nên mẹ bẳn tính. Nhưng người đâu biết tôi thương mọi người, thương cả người dưng mà mẹ vừa lẩy trong câu Kiều của Tố Như.

Tóm lại, để trả lời câu hỏi của anh Hà Tự trong một khoảnh khắc của một tham luận ngắn không dễ. Bởi thiên hạ đã “khớp Tố Như” nhiều lắm rồi, và ông cũng làm thiên hạ tốn không biết bao nhiêu giấy mực vì tác phẩm kiệt xuất, vì lời nhắn gửi hậu thế của ông. Cũng không dễ để ta một sớm, một chiều thỏa mãn được sự cảm nhận văn chương của công chúng. Bởi để hóa giải được câu hỏi mang thuộc tính kinh điển ấy, lại phải tốn nhiều máy vi tính, giấy A4 cho các ông đồ Nghệ thời @ chưa chắc đã làm ta thỏa mãn.

Những nỗi niềm mà Nguyễn Du để lại, gắn kết những con người yêu thơ trở thành nhóm, thành Câu lạc bộ như­ nhóm chúng ta đây ? Tụ hội để làm gì vậy ? Có người bảo: “Trời đày các ông ấy”.

Kiết sử phũ phàng đã vận ta với Kiều, với thi nhân rồi. Họ nói trời, nói đất gì kệ họ. Bởi Kiều là vậy…/.

Nguyễn Viết Lợi (Nghệ An)

Phamngochien.com.vn - 19:09 - 22/11/2024 - Bài văn nghệ sĩ - Tư liệu

Để lại một bình luận