Nhu đạo và khả năng ứng biến – Nguyễn Văn Hưng (Phú Yên)

Lấy nhu thắng cương là đạo lý, đức tin xử thế, là phương pháp lý tưởng trong phép ứng xử mềm, bao hàm tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến”…khả năng ứng biến là bản sắc văn hoá thích nghi, biến đổi lịch sử phát triển văn hoá ngày càng chỉnh chu và tốt đẹp hơn.
Trong nhu có cương, trong cương có nhu, cương nhu kết hợp hài hoà để dựa vào nhau mà tạo lực, tạo đà ứng biến. Có thể xem đây là phương châm tích cực trong tính cách đích thực, phương thức xử thế lý tưởng được hình tượng hoá một cách tuyệt diệu bằng thái cực đồ nho nhỏ…Từ một vòng tròn âm dương hoà quyện, như một một con cá dương màu trắng và một con cá âm màu đen, đuôi con cá dương bao quanh đầu con cá âm, đuôi con cá đen quyện lấy đầu con cá dương…cùng nhau xoắn chặt thành một vòng tròn không đầu, không cuối, không trước, không sau, không cao, không thấp, như có, như không…trong con cá âm có con mắt âm, trong con cá dương có con mắt âm, bao hàm hoà quyện kích thích lẫn nhau, chuyển hoá giao hoà trộn lẫn nhau, như một thể nghiệm rất Đông nhưng cũng rất Tây. Có một thời, nhiều người đã phê phán phản đối kịch liệt cái phương thức xử thế “lấy tĩnh chế động” trong khả năng ứng biến. Nhưng khi tĩnh lặng để chiêm nghiệm về vòng tròn đó trong không gian đa chiều, bằng những quan sát thấu triệt của tư duy mở, chúng ta không thể không thừa nhận nó đã và đang bao hàm nguyên lý vũ trụ, cũng đồng thời coi đây là nguyên tắc đối nhân xử thế cơ bản…Như có, như không được chiêm nghiệm thấu triệt trong suốt chiều dài lịch sử văn hoá; hay như trong hiện thực…thì cương nhiều mà nhu thì ít, và vẫn luôn thường hay xảy ra tính đối xứng thiếu sự cân bằng biến đổi nguyên lý “nhất thể sinh nhị nguyên” để dẫn đến tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến”.
Lại nói về cội nguồn, từ khi con người xuất hiện trên thế gian thì cuộc sống và vũ trụ đã đối diện với tự thân không có gì không nằm trong biến hoá…”vạn vật không mất đi, chỉ biến đổi từ dạng này sang dạng khác”.
Vũ trụ Biến sản sinh lịch sử văn hoá, tất cả tiên đề đều là tiên khởi của phạm trù Biến…vũ trụ luôn vận động, và tồn tại trong Biến và bất Biến do bởi các hiện tượng đa dạng có nguồn gốc đầu tiên luôn đối xứng, đối lập nhau từ vật chất đến tinh thần…mà, bất Biến chỉ có tính chất tương đối và tạm thời.
Thực tế, bất Biến chỉ là hình thức đặc định của Biến…và cũng rất cần phải thể nghiệm mọi hiện tượng Biến từ trong bất Biến:
– Biến là canh cải, cải Biến, là hợp xưng Biến hoá
– Biến là Dịch, hợp xưng biến Dịch, là cách hợp xưng biến cách…là phi Thường lại là Thường.
– Biến là đối lập hổ phản chi tượng, là sinh thành và hiển hiện.
– Biến là Thể Dụng, lại do Thể mà đạt Dụng
– Biến là Thiên đạo
– Biến là tiến hoá…
Nước luôn chứng tỏ nội hàm Biến cực kỳ phong phú, đã luôn thẩm nhập vào tất cả mọi phương diện lý luận…bởi Nước là lịch sử của Biến.
Từ đó cho thấy, nếu lấy nhu làm chính “Nhu hàm Cương” thì phương thức chủ yếu sẽ là: “Nhu đạo” trong đối nhân xử thế, trong tiếp biến và ứng biến trong khả năng biến hoá để Tiến hoá. Nhưng có lẽ, còn do những nhược điểm của nhân tính như: tham lam, thiển cận, nóng nảy, háo danh, hám lợi, tiểu tâm, sân si, ích kỷ bủn xỉn v.v…đã làm biến cải theo chiều ngược của nhân tâm, đã làm mất đi tính thường dụng, hoặc áp dụng không triệt để dẫn đến sai lạc, thiếu hiệu quả đắc dụng, đánh mất phương hướng, ứng xử không đặng tốt đẹp.
Từ thực tế cuộc sống, từ trong lịch sử phát triển văn hoá đã có rất nhiều bài học, câu chuyện nói lên sự đạt thành của “Nhu đạo” trong đối nhân xử thế và “Nhu đạo” trị quốc, ngoại giao, bang giao quốc tế…đã sớm chứng minh được “Nhu đạo” đạt dụng, hiển hiệu hơn “Cương đạo”, bỏ ra ít công sức mà thu đạt hiệu quả và lợi ích tinh thần, vật chất dài lâu hơn nhiều. Trong mọi tình huống thì ứng dụng theo phép “Cương đạo” đều thua xa.
Dụng nhân thay sát, bất luận phương diện quân sự, chính trị hay ngoại giao nên trị lý, ứng biến phải phép, cần cân nhắc tỉnh táo, hiểu biết sâu để vận dụng phù hợp. Lập lý từ Nho, Phật, Đạo đâu là cũ càng.
Suy nghĩ chín chắn, nói năng thận trọng, không để ý lưu tâm điều vụn vặt, xem nhẹ ân oán…buồn vui, hỉ nộ, ái ố chừng mực, không nên biểu hiện ra mặt, có lẽ đây là phương cách thuần hậu nhân tâm trở thành mẫu mực từ vạn cổ. Nếu chuyên tâm vận dụng thì “Nhu đạo” luôn là Đạo làm người hiệu quả nhất.

Phú Hanh

Phamngochien.com.vn - 08:41 - 02/04/2024 - Bài văn nghệ sĩ - Tư liệu

Để lại một bình luận