Lễ hội Kỳ Yên ở Vĩnh Bình – Phan Thanh Tâm (Cà Mau)

Lễ hội Kỳ Yên còn gọi là Lễ cầu an, “cầu cho quốc thới dân an”, được tổ chức hàng năm tại thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây thuộc tỉnh Tiền Giang. Lễ hội diễn ra từ ngày 14 tháng Chạp âm lịch, cho đến ngày 16 tháng Chạp âm lịch, là lễ hội lớn nhất của tỉnh. Sau thế kỷ 18, người miền ngoài vào phương nam khẩn đất ngày một nhiều, họ sống rải rác trên đất giồng cát của xứ Gò Công ngày nay, rồi lập nên làng xã. Thị trấn Vĩnh Bình là một trong những nơi, cư dân miền ngoài đến định cư và lập nghiệp.

Nhớ lại Lễ hội Kỳ Yên, cách nay 60 năm, diễn ra tưng bừng và náo nhiệt ở thị trấn Vĩnh Bình. Ngày ấy, các nghệ nhân làng xã, họ làm hình linh vật như Rồng, Lân, Sư tử để đi tế lễ rước “sắc thần”. Lễ rước sắc thần được khiêng bằng kiệu đầu rồng, kiệu có rèm che và khắc họa hoa văn, trông có màu như thếp vàng ở nơi thỉnh sắc thần. Người khiêng kiệu hai bên, mặc trang phục quân sĩ của thời vua chúa, cùng theo sau bảo vệ thần là tốp lính trang bị gươm đao, uy nghiêm. Kế là đoàn người hát Bội, vận áo mão cân đai, mang râu dài tới ngực, mắt vẽ xếch uy nghi, trông họ như các vị tướng quân theo phò thần. Theo sau là những thiếu nữ xinh xắn, mặc áo bà ba đủ sắc màu: đầu đội, tay bưng mâm xôi, mâm trà, mâm trái cây có màu xanh, chín vàng và đỏ… Cuối cùng là đoàn dân làng háo hức kéo theo lễ rước sắc thần, trên quãng đường đông nghịt xe cộ và người qua lại. Nhộn nhịp nhất là đoàn Lân, Rồng, Sư tử đi trước nhảy múa, uốn lượn theo tiếng trống, tiếng chiêng cồng kêu lên cắc tùng xèng…vang rền trên con đường đi rước sắc thần, từ chùa-miễu đưa về an vị tại đình Vĩnh Bình.

Lễ hội Kỳ Yên ngày nay, không khác nhiều lắm, gần đến ngày lễ hội, đường phố nhộn nhịp hẳn lên, nhà nhà dọn dẹp tươm tất, chuẩn bị mâm ngũ quả để đón rước sắc thần. Từ trưa ngày 14 tháng Chạp, dân làng các nơi háo hức đổ về dự lễ hội. Đoàn Lân, Rồng, Sư tử dẫn dắt đoàn người theo kiệu đi cung thỉnh “Linh” từ bàn thờ các ấp của thị trấn Vĩnh Bình, tức cung thỉnh các vị đang được thờ tại các Miễu, là vong linh của các bậc tiền bối đã có công đức với địa phương, kể từ ngày di dân lập làng xã cho đến nay. Đến chiều, đoàn Lân, Rồng, Sư tử rước linh đi một vòng chợ Vĩnh Bình, rồi đưa linh về đình Vĩnh Bình an vị ở đó. Dân làng các nơi đến dâng lễ vật: bánh, trà, xôi, trái cây, heo quay…. đến cúng đình. Kết thúc lễ rước vong linh, các trò chơi dân gian được khai mở như: đi cầu trơn trượt, bắt vịt trên sông, nhảy bao bố, bịt mắt đập nồi; ra câu đối đáp, ngâm thơ, hát bội, hát bóng rỗi… Đoàn Lân, Rồng, Sư tử thi nhau múa trổ tài thấp cao, trông ngộ nghĩnh và dũng mãnh giữa đám người hồ hỡi. Đêm mười sáu, ánh trăng sáng rực như tiếp thêm sức sống cho lễ hội thêm tưng bừng náo nhiệt. Đoàn Lân, Rồng, Sư tử kéo nhau múa ì xèo quanh chợ: cầu chúc sự an lành, hạnh phúc và thành đạt cho dân làng. Đến nửa đêm, Lễ “tống gió” được cử hành trang trọng. Những con tàu làm bằng giấy kiếng xanh, kiếng đỏ… thắp lên những ngọn nến lung linh, được thả xuống dòng sông cùng các lễ nghi “tống gió độc”, tống điều xui xẻo, kết thúc ba ngày lễ hội tưng bừng và náo nhiệt.

Lễ hội Kỳ Yên cầu cho quốc thới dân an đã để lại trong tâm thức người dân làng niềm hoài cổ sâu xa, họ luôn tri ân, giữ gìn và tôn kính công đức của các bậc tiền bối, từ miền ngoài xa xôi đã đến khẩn hoang và lập nên làng xã – một vùng đất trù phú, thịnh vượng, để lại cho con cháu đời sau thụ hưởng.

Cà Mau, 10.6.2024
Phan Thanh Tâm.

Phamngochien.com.vn - 08:12 - 21/06/2024 - Bài văn nghệ sĩ - Tư liệu

Để lại một bình luận