Bài giới thiệu của Ngô Phan Lưu đăng trên báo Phú Yên số 8 / 8 / 2007
“NHỮNG NẺO ĐƯỜNG VĂN CHƯƠNG” VÀ NHỮNG BÚT PHÁP PHÊ BÌNH VĂN HỌC
(Đọc tập phê bình Những nẻo đường văn chương của Phạm Ngọc Hiền – NXB Văn Nghệ TP.HCM 2007)
Mỗi tác phẩm văn chương như một lăng kính đa chiều, mang nhiều màu sắc và cũng có thể tiếp cận nó từ nhiều góc độ khác nhau. Hội tụ các tác phẩm và các cách tiếp nhận lại, ta thấy đời sống văn chương muôn hình vạn trạng. Trong đó có cái phong phú của người sáng tác, có cái đa dạng của người phê bình. Chỉ riêng trong một tập sách phê bình “Những nẻo đường văn chương” của Phạm Ngọc Hiền, ta cũng thấy phần nào điều đó. Sự phong phú của tập sách không chỉ thể hiện qua những gương mặt văn chương đến từ ba miền Bắc Nam Trung mà còn thể hiện ở sự dung hợp nhiều bút pháp phê bình văn học khác nhau. Chính điều này đã tạo nên sự hấp dẫn của cho tác phẩm.
Bút pháp phê bình thi pháp học được sử dụng rất nhiều trong cuốn sách, nhất là ở hai phạm trù không gian và thời gian. Tác giả đã cho thấy sự đa dạng mô hình không gian trong bộ tiểu thuyết sử thi Cửa biển của Nguyên Hồng. Đồng thời, còn chỉ ra mối quan hệ giữa các loại không gian đó và chức năng của chúng. Như loại không gian công cộng có chức năng tạo tinh thần đoàn kết của quần chúng, không gian hoàng tráng có chức năng dung chứa các sự kiện lịch sử lớn. Không gian ngày càng giãn nở kích thước và chuyển dần từ tĩnh sang động. Có thể nói, nếu không nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực thi pháp học thì Phạm Ngọc Hiền khó có thể triển khai vấn đề một cách sâu sắc và hợp lý như thế. Tác giả cũng phân tích tính sinh động của thời gian chiến tranh và thời gian hoài niệm trong văn Huỳnh Thạch Thảo. Thời gian gõ nhịp cho tư duy của nhà văn. Có khi nó trôi chậm chạp, có khi biến dịch ồ ạt, có lúc khách quan, có lúc chủ quan, một thế kỷ có thể co rút bằng một đêm suy tư của nhân vật. Trong truyện vừa Bạn cùng thời, nhà văn đã sử dụng khá nhiều thủ pháp của thời gian trần thuật nên làm cho câu văn linh hoạt, không đơn điệu. Hiếm có cây bút nào bị ám ảnh thời gian nhiều như vậy, “Có thể nói, thời gian là ông chủ vạn năng trong văn Huỳnh Thạch Thảo”.
Bút pháp phê bình ngôn ngữ học được tác giả sử dụng ở những bài bình thơ, như bài “Hình tượng con tàu, sân ga trong thơ Xuân Quỳnh”. Anh đã thống kê tỉ mỉ tần số xuất hiện nhóm từ ngữ này và đi đến khẳng định, hiếm có ai nhắc đến hình tượng con tàu sân ga nhiều như Xuân Quỳnh, trong khi nó có vẻ không thích hợp với cá tính nữ. Tác giả lý giải rằng, điều đó xuất phát từ cá tính mạnh mẽ cuồng nhiệt của nhà thơ và do cảm quan của thời đại cách mạng chi phối. Tác giả cũng giải thích các lớp nghĩa khác nhau để cho thấy sự thể hiện hết sức phong phú của hình tượng con tàu. Thao tác bình giảng ngôn ngữ học vốn không thể thiếu khi phân tích thơ. Tác giả đã dùng nó để giải nghĩa từ “rút” trong tập thơ Trăm phần trăm gió sương của Vũ Quang Tần: “Rút sợi tóc trắng trên đầu / Sởn sơ cái tuổi nhàu nhàu tháng năm”. Đang mải “sởn sơ” với cảm xúc tươi trẻ, nhà thơ chợt dừng lại làm cái động tác mà khiến Nàng Xuân phải chau mày: “Rút sợi tóc trắng”. Cũng như tuổi xuân của con người, cọng tóc khi đã “rút” ra thì không thể “cắm” lại được nữa, nhưng cũng không có nghĩa là “nhổ” bỏ đi. Người ta đưa tay “rút” một thanh gươm, một cây bút hoa hay một… cọng tóc là có chủ ý rõ ràng. Nếu đem sợi tóc trắng này soi dưới cặp mắt hiển vi, ta có thể đoán định chủ nhân của nó đã trải qua bao nhiêu phần trăm sương gió ở đời”. Có thể thấy trong đoạn văn này lối phê bình tài tử, nhà thơ đã ngông nhưng nhà phê bình cũng không chịu lép vế cái phần ngông. Có khi bình một bài thơ, tác giả chỉ chú trọng một chữ, như chữ “tắt” trong bài Ao làng của Nguyễn Khôi. “Cái đêm hè ấy ai ra tắm / Để cả bầu trời phải tắt trăng”. “Mặt trăng được tạo ra để toả sáng cho cả thế gian. Thế mà chỉ vì một cô gái đang tắm ở cái ao làng nào đó vô danh trên đất Việt Nam mà ánh trăng phải tắt (…) Phủ lên bóng tối là để bảo vệ cho sự trong trắng của cô thôn nữ hay là tạo cơ hội cho tình yêu đến với nhau ? (…) Đêm ấy, cả vũ trụ như vì họ, và cả thế gian dường như cũng chịu thiệt thòi một chút vì họ. Mặt khác, giả sử vũ trụ kia có con mắt đa tình và ưa mơ mộng thì cũng có thể tắt trăng để thả hồn chiêm ngưỡng nàng trong bóng tối (…) Bởi vậy không phải lúc nào ánh trăng cũng cần thiết cho tình yêu. Chắc chị Hằng cũng hiểu được điều đó”. Ở đây, ngôn ngữ phê bình có sự hoà trộn tuyệt vời với ngôn ngữ thơ.
Phương pháp hiện tượng học thiên về nhận thức cảm tính của người phê bình. Ingarden cho rằng: “chủ thể tiếp nhận tác phẩm cũng phải tiếp nhận theo dụng ý của mình để khẳng định giá trị thẩm mỹ của tác phẩm”. Đọc truyện ngắn Ngô Phan Lưu, Phạm Ngọc Hiền có hứng thú đặc biệt đối với những nét dị thường của nó bởi vậy, anh chỉ tập trung khai thác những chi tiết khác lạ trong hình tượng và ngôn ngữ. “Cây cọ vẽ siêu thực Ngô Phan Lưu đã chấm phá vào những nét vẽ gân guốc, phủ lên những sắc màu hư ảo, làm cho sự vật mang hình dáng và tính cách dị thường”.”Đi vào thế giới ngôn từ của Ngô Phan Lưu, ta có cảm tưởng như đang ngồi trên chiếc xe bò lộc cộc trên con đường gồ ghề dẫn vào vườn cổ tích. Tuy cũng vất vả nhưng bù lại, được chiêm ngưỡng một thế giới kỳ thú và đầy ắp tiếng cười”. Phạm Ngọc Hiền cũng chỉ ra sức hấp dẫn trong tập truyện Mùa bướm vàng bay của Trần Quốc Cưỡng là ở hình tượng người phụ nữ. Bởi đa số các nhân vật nữ đều có cá tính mạnh và khao khát tình yêu tuyệt đích. Nhà phê bình đã định hướng lối cảm thụ cho đôc giả theo cảm quan của mình.
Phương pháp loại hình học có nhiều biểu hiện khác nhau nhưng tác giả thường phân tích tác phẩm theo đặc trưng của thể loại văn học. Anh đã khai thác truyện ngắn Rừng xà nu từ góc độ loại hình sử thi, bởi vậy đem đến một cách nhìn mới mẻ về tác phẩm này. Theo tác giả, Rừng xà nu là truyện ngắn thể hiện rõ nét nhất những đặc điểm của loại hình sử thi trong văn học cách mạng. Điều này được thể hiện qua nội dung thể tài, tính cách nhân vật, giọng điệu, ngôn ngữ… Trong bài phê bình tập tản văn “Sống chậm thời @”, tác giả cũng triển khai bài viết theo các đặc điểm của thể loại tản văn. Bên cạnh những nét chung, Lê Thiếu Nhơn và Nguyễn Ngọc Tư cũng có những nét khác nhau. Tuỳ bút của Nhơn mang tính báo chí còn tuỳ bút của Tư mang đậm tính văn chương. Nhơn viết theo ngôn ngữ chuẩn, còn Tư viết theo khẩu ngữ Nam Bộ… “Một nhà báo nam và một nhà văn nữ mang bản sắc của hai vùng đất khác nhau đã góp phần làm đa dạng thêm những sắc màu chữ nghĩa của tập tản văn “Sống chậm thời @””.
Bút pháp phê bình Phân tâm học vốn rất khó sử dụng bởi nói trừu tượng và đòi hỏi người phê bình phải có một vốn văn hoá phong phú và am hiểu những vấn đề tâm lý học. Trong bài “Những lớp trầm tích văn hoá trong thơ Triệu Lam Châu”, Phạm Ngọc Hiền phải tìm hiểu cả văn hoá Tày, Việt, Tây Nguyên, Văn hoá Nga… để có thể thấy được sự phóng chiếu các nền văn hoá ấy trong sáng tác của kỹ sư địa chất Triệu Lam Châu. Ngoài ra, còn phải nghiên cứu cả “bút pháp giao thoa văn hoá” và chỉ ra những đóng góp của nhà thơ – dịch giả này trong việc giao lưu văn học các dân tộc. Trong bài “Dòng chảy của tiềm thức trong thơ ca”, tác giả đã phân tích chỉ ra bốn vấn đề ám ảnh thơ Phan Hoàng là: tiếng gọi ái tình, nỗi thương nhớ đồng quê, ký ức chiến tranh và suy tư nhiều về sự phi lý ở đời. “Bốn đề tài nói trên thực ra là các nhánh rẽ của dòng chảy tiềm thức. Thơ ca giống như một hộp đen con tàu “lưu giữ những giấc mơ chênh vênh tiềm thức”. Nếu chịu khó giải mã những ký hiệu của nó, bạn đọc có thể sẽ tìm thấy hình bóng của mình trong đó”.
Phương pháp phê bình chân dung văn học vốn thường thấy trên báo chí hiện nay cũng được tác giả sử dụng. Bài Trang thơ và cuộc đời viết về cuộc song hành giữa thơ và đời của Nguyễn Tường Văn, người thủ lĩnh phong trào sinh viên dân chủ ở Đà Lạt năm xưa. Thơ gắn với đời, đời phong ba thì thơ cũng thác ghềnh. “Trước năm 1975 thường có giọng hùng tráng khi đấu tranh. Sau 1975 có giọng tin yêu đôn hậu ở giai đoạn đầu, chút cổ kính ở giai đoạn sau, và thỉnh thoảng có tiếng cười thâm trầm của một người đã trải qua nhiều biến cố ở đời”. Trong bài viết về Huỳnh Văn Quốc, người đoạt giải thưởng Tác phẩm tuổi xanh năm 1995, tác giả chỉ đi sâu tìm hiểu những đặc điểm và mặt mạnh của anh trên hai lĩnh vực thơ và văn. “Huỳnh Văn Quốc không chỉ canh tác trên cánh đồng thơ mà còn canh tác cả bên cánh đồng văn. Anh đầu tư vun xới cả hai bờ thơ – văn mà không phân biệt đối xử với bên nào (…) Trong văn xuôi có chất thơ nhạc, đó là kết quả tất yếu của một cây bút bị phân thân thành người Văn – người Thơ”.
Phương pháp phê bình xã hội học vốn đã phổ biến ở Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ nay. Phạm Ngọc Hiền đã sử dụng phương pháp này trong bài “Những thành tựu của văn học Phú Yên thế kỷ XX”. Tác giả đã đặt văn học Phú Yên trong sự phát triển của lịch sử xã hội. Các sự kiện chính trị lớn tại địa phương đều có ảnh hưởng sâu sắc tới tình hình văn học tỉnh nhà. Trong bài “Nhìn lại nền văn nghệ cách mạng Việt Nam trong 30 năm chiến tranh”, tác giả cũng cho thấy đặc điểm của nền văn nghệ giai đoạn này là hướng tới phục vụ các mục tiêu chính trị của Đảng cộng sản, lấy chủ nghĩa Marx làm kim chỉ nam. Đó là một nền văn nghệ mang đậm tính chất sử thi, hai thể loại đạt nhiều thành tựu xuất sắc nhất là ca nhạc và phim ảnh. Có thể thấy ở hai bài viết này tinh thần nghiên cứu nghiêm túc, chân thực, khách quan, không bị chi phối bởi các định kiến xã hội.
Phạm Ngọc Hiền thường kết hợp nhiều phương pháp trong mỗi bài phê bình, có thể thấy điều đó trong bài “Đi tìm lời giải đáp cho sức hấp dẫn của Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm và Mãi mãi tuổi hai mươi”. Anh đã sử dụng phương pháp loại hình để xác định đặc trưng của thể loại nhật ký, vận dụng phương pháp ký hiệu học để giải mã các bí mật ngôn từ trong Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm. Dùng phương pháp tâm lý học để tìm hiểu sự phức tạp trong tình cảm của Trâm với M và Thuận, dùng phương pháp so sánh để chỉ ra những nét hấp dẫn riêng của hai cuốn nhật ký. Bài viết được trình bày theo các phạm trù của phương pháp Mỹ học: Chân – Thiện – Mỹ. Anh cũng đặt hai tác phẩm vào trong bối cảnh văn học Việt Nam (phương pháp hệ thống) và trong hoàn cảnh lịch sử xã hội Việt Nam (phương pháp xã hội học). Bài viết có sự kết hợp giữa lối nghiên cứu bên ngoài ( phương pháp lịch sử – phát sinh) và lối nghiên cứu bên trong (phương pháp hình thức)…
Mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm nên việc kết hợp chúng lại với nhau có tác dụng bổ khuyết, giúp cho công trình thêm hoàn thiện, có tính thuyết phục cao. Đồng thời, tránh được sự đơn điệu và tăng tính sinh động cho bài viết. Tập phê bình Những nẻo đường văn chương cho thấy, tác giả có sự kết hợp chặt chẽ giữa con người nghệ sĩ và con người khoa học. Hy vọng rằng, Phạm Ngọc Hiền sẽ còn tiếp tục đi xa hơn trên những nẻo đường phê bình văn học.
MAI LIÊN GIANG