Chè bưởi, hương vị của mùa xuân (Trần Tú – Phú Thọ)


Giữa những ngày hè nóng nực mà tự dưng thèm cái không khí và hương vị của mùa xuân thì nhất định phải ăn chè bưởi. Ăn chè bưởi chẳng khác nào một cơn gió đem theo hơi mát và hương thơm ùa vào lòng người. Thôi thúc ta phải đi làm chè bưởi ngay thôi.
Mùa hè, cái nắng chói chang làm trái bưởi trong vườn xanh ánh lên như nắng chiếu vào ngọc bích, quả chừng to hơn cái bát ăn cơm một chút, nếu muốn làm chè bưởi hãy hái ngay lấy những quả tươi xanh, thơm dịu ấy vì cùi bưởi lúc này là ngon nhất. Nếu được ví với con người thì trái bưởi lúc này chẳng khác nào một cô gái đang độ tuổi trăng tròn, vừa trẻ trung lại xinh xắn.
Không phải bưởi nào cũng nấu được chè, bưởi diễn, bưởi đường không nên dùng để nấu chè vì cùi của chúng quá mềm nên dễ bị nhũn nát. Cùi để làm chè bưởi ngon nhất phải là cùi bưởi da xanh, thế nhưng trong vườn nhà tôi lại chẳng có bưởi da xanh, mà chỉ có một cây bưởi chua quả to tròn, lớp cùi dày, rất sai quả. Thôi thì có sao dùng vậy. Dùng dao gọt hết lớp vỏ xanh bên ngoài, tách lấy từng thớ cùi trắng nõn, bỏ phần trắng mềm bên trong ta được phần cùi phù hợp để nấu chè. Phần cùi vừa lựa được đem thái hạt lựu, kích thước bằng đốt ngón tay, tránh bé quá sẽ làm giảm độ giòn mà to quá thì khó ăn.

Nhìn những cùi bưởi vừa thái xong thật đẹp mắt. Nhưng chẳng có điều gì là dễ dàng đâu, cũng như con người vậy để đạt được thành công thì cũng phải vất vả mà lăn lộn với cuộc sống. Cùi bưởi thái xong phải qua công đoạn khử đắng. Có nhiều cách để khử đắng cùi bưởi, nhưng có một cách nhanh và đảm bảo, đó là sau khi đã thái hạt lựu ta rửa qua với nước rồi dùng muối bóp thật đều cho đến khi các cùi bưởi mềm ra, xả lại với nước cho cùi đỡ mặn. Bắc một nồi nước lên bếp, đợi cho nước sôi ta đổ cùi bưởi vào ngâm khoảng 10 phút thì vớt ra rửa lại nhiều lần với nước sạch, rửa đến khi nào ta nếm miếng cùi bưởi mà thấy không còn vị đắng nữa là được.
Cùi bưởi khử đắng xong sẽ được ướp đường và áo bột. Đường để ướp cùi bưởi có thể là đường thốt nốt, đường cát hoặc đường phèn. Đường nào cũng được tùy vào sở thích của mỗi người. Nhưng đường thốt nốt lại được ưa thích hơn cả bởi vị ngọt thanh mát, màu sắc đẹp mắt. Cho nước vào đường theo tỷ lệ phù hợp, đun sôi hỗn hợp cho đường tan ra, đợi nước đường nguội ta thêm bột năng vào khuấy đều rồi thả cùi bưởi vào. Cùi bưởi lép xẹp giờ hút nước đường căng tròn, đẫy đà, ngâm cùi như vậy ít nhất 4 tiếng để cùi đạt được độ dai và giòn. Cùi bưởi đã ướp đủ thời gian ta dùng bột năng áo thêm một lớp nữa. Thế là công đoạn làm cùi bưởi gần hoàn thiện rồi. Cho đường vào nồi nước đun sôi đường tan hết thì thả cùi bưởi đã áo xong vào, đảo thật đều tay cho cùi bưởi không dính vào nhau, khi nào thấy các cùi nổi lên trên mặt nước, thì vớt ra thả ngay vào chậu nước đá đã chuẩn bị sẵn. Bước này sẽ giúp cho cùi bưởi được giòn hơn. Thành quả là từng miếng cùi bưởi nhỏ nhắn, xinh xắn màu nâu vàng ánh lên lấp lánh như ngọc thạch. Ăn thử một miếng thấy giòn ngọt đến tận cõi lòng.
Đỗ xanh đã bóc vỏ, rửa sạch ngâm trong nước 4 tiếng, vớt ra để ráo nước, thêm một chút lá dứa (lá nếp thơm), trước khi cho lên hấp người ta thường lót vào đáy của chõ xôi một lớp khăn xô, điều này giúp cho những hạt đỗ khi chín còn nguyên hạt. Đỗ xanh cũng vậy tùy vào sở thích và khẩu vị của từng người, có người thích đẹp mắt, thích đỗ còn nguyên hạt, nhưng có người lại thích đỗ bở nhuyễn ra dù khi quấy chè sẽ làm màu chè hơi đục không được trong.
Quấy nước đường, thêm một bó lá dứa khi nước sôi cho hỗn hợp bột năng, bột viên nấu chè, bột béo hoặc bột sắn dây vào quấy làm sao cho nước thật sánh đổ cùi bưởi đã luộc chín và đỗ xanh vào quấy sao cho thật đều tay, màu chè có thể bị đục do đỗ đã xôi nhuyễn nhưng cùi bưởi và đỗ không bị chìm nghỉm xuống dưới đáy, mà nổi lấp ló ấy là chè đã đạt.
Múc chè ra bát, thêm một chút nước cốt dừa, một chút lạc khô rang vàng, một nhúm cơm dừa nạo sợi. Và thêm một chút hương hoa bưởi nữa. Lại nói đến hương hoa bưởi, người ta còn ví von hoa bưởi là hương của mùa xuân. Để có hương của mùa xuân này tuyệt nhiên không nên sử dụng tinh dầu bưởi mua ngoài quán đầy chất hóa học. Mà phải dùng những gì tự nhiên nhất. Mùa xuân hoa bưởi đẹp nhất và hương thơm cũng quyến rũ nhất. Ta ngắt những cánh trắng tinh khôi ấy, rửa sạch để ráo nước, cất một ít vào trong ngăn đá tủ lạnh. Phần còn lại bỏ vào trong chiếc hũ thuỷ tinh, thêm đường cát hoặc đường phèn vào ngâm. Chỉ một thời gian sau ta đã có một hũ siro hoa bưởi ngọt ngào thơm nức. Khi nấu chè chỉ cần thêm vài cánh bưởi trữ đông hoặc thêm vào một thìa siro hoa bưởi. Hương bưởi sẽ thơm ngào ngạt, một mùi hương tự nhiên tạo cảm giác êm ái, lưu luyến.
Chao ôi, nhìn bát chè bưởi lúc này, cảm thấy như mọi giác quan đang bị kích thích chỉ muốn ăn ngay và luôn cho đã cơn thèm, cho bõ bao công sức tỉ mẩn để nấu cho ra được nồi chè bưởi. Thế nhưng chớ có ăn vội ăn vàng, hãy ăn một cách từ từ để cảm nhận được hết cái ngon của chè bưởi. Ăn chè bưởi không phải chỉ để thấy những cùi bưởi xinh xắn giòn sần sật trong miệng, quyện với vị ngọt thanh mát của đường thốt nốt cùng sự bở bùi của đỗ xanh hòa với vị ngậy của nước cốt dừa, vị béo thơm của lạc rang mà còn thấy thấm đẫm hương vị của mùa xuân, thấy tuổi trẻ như hiện ra trước mắt, một bầu trời xuân, một mái tóc dài nồng nàn hương bưởi của người anh yêu. Ăn chè bưởi không phải chỉ để thường thức cái ngon, mà còn để cảm nhận sự chu đáo, tỉ mỉ, khéo léo của người làm ra món chè.
Chè bưởi đúng là món ăn bình dị kết tinh những gì giản dị, thơm thảo nhất trong khu vườn mộng mơ mà lại đậm đà thấm đẫm hương vị của đồng quê Việt Nam. Trong một ngày hè nóng nực, được thưởng thức bát chè bưởi ngọt mát, thơm nức mũi, tự dưng ta thấy mình yêu đời hơn, lòng lâng lâng như đang lạc vào một khu vườn mùa xuân với những vầng hoa bưởi trắng muốt, ngát hương thơm.

Phamngochien.com.vn - 19:42 - 23/01/2024 - Bài văn nghệ sĩ - Tư liệu
Từ khóa:

Để lại một bình luận